Trang

my photo

my photo

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

LENS FOR TOKINA

TOKINA là nhà sản xuất ống kính For có lịch sử 55 năm kinh nghiệm. Trong thời kỳ còn chụp máy phim, Tokina có thể được gọi là “ông trùm” trên thị trường ống kính For. Mẫu mã của Tokina được thiết kế gần giống như ống kính Đức, rất chắc chắn nhưng lại hơi thô. Nhưng chính vì lớp vỏ thô nhám ấy nên khi cầm ống kính trên tay ta thấy nó rất vững. Đặc điểm của ống kính Tokina là hơi gắt, các bạn nào thích Mamiya sẽ thấy hài lòng với nó, và cũng dễ hiểu thôi vì chính Tokina là nhà sản xuất ống kính cho các máy Mamiya Medium Format.
Công nghệ Multicoating của Tokina rất tiên tiến và rất dày nên ống kính cho “độ bền màu” rất tốt mà chính bản thân tôi đã được trải nghiệm.
Không hiểu vì sao khi chuyển qua trào lưu máy ảnh kỹ thuật số, Tokina có cải thiện các lớp tráng trên ống kính để tương thích với máy ảnh kỹ thuật số nhưng lại ít sản xuất ống kính DX và cũng không tích hợp mô tơ cho ống kính của mình khi dùng với máy ảnh Nikon. Do đó Tokina là thương hiệu được chọn lựa bởi các người sử dụng Nikon Dx, Dxxx và 1 số đời Dxx mà thôi.
Tới thời điểm hiện tại, Tokina chỉ giới thiệu có 9 ống kính gồm 6 ống kính AT-X PRO và 3 ống kính AT-X mà thôi. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì cả 9 ống kính này đều được đánh giá rất cao trên các trang web nổi tiếng, đặc biệt là ống kính Macro 100mm 1:2.8 AT-X PRO.
AT-X PRO gồm : AF 11-16mm 1:2.8 – AF 12-24mm 1:4 – AF 16-50mm 1:2.8 – AF 50-135 1:2.8 – AF 35mm 1:2.8 MACRO – AF 100mm 1:2.8 MACRO.
AT-X Series gồm : AF 10-17mm 1:3.5-4.5 – AF 16.5-135 1:3.5-5.6 – AF 80-400mm 1:4.5-5.6.
Trong đánh giá chung của các trang web trên thế giới, ống kính Macro của Tokina là xuất sắc nhất trong hàng ống kính For lẫn Zin. Do đó nếu các bạn nào thích thể loại Macro thì nên để ý tới hiệu ống kính này.
Các bạn nào dùng máy khổ DX để làm dịch vụ ảnh cưới, tiệc tùng... sẽ thấy con AF 16.5-135mm là rất lý tưởng đấy.





Chụp chân dung teen trong studio

Chụp trong studio không sợ mưa, nắng; các teen nhút nhát cũng tự nhiên hơn, không ngại tạo dáng; quan trọng hơn là ta mang cả ba "mặt trời" vào phòng và chủ động được nguồn sáng. Dĩ nhiên, để trang bị cũng cần một "tí vốn"...

Phòng chụp: Lý tưởng nhất là có phòng 4mx6m. Dùng phòng khách, phòng học 3mx5m cũng tốt, hay vách nhà kho... sao cho có thể lùi 4m để chụp.

Phông nền: Cần hai màu đen trắng.
Ba đèn flash. Đèn nội cũng xài tốt, đươc sử dụng khá nhiều (khoảng 2.000.000 đồng/cái đèn chính, 1.000.000/cái đèn tóc, cứ phát sáng đều là đạt, mua ở các cửa hàng bán máy ảnh trên đường Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, TP. HCM). Các phòng chụp chuyên nghiệp thường bố trí khoảng 5 đèn (chỉ để biểu diễn, "dọa" khách hàng là chính, chụp giỏi chỉ cần một hoặc hai đèn tuỳ theo mục đích sử dụng). Cần thêm 3 cái chóa đèn có che vải trắng mịn là ta có một studio và tha hồ tạo ánh sáng đủ chiều để chụp.

Máy ảnh: Thân máy vừa vừa cũng được, Nikon D100, 200, D80, Canon 10D, 20D... là tốt. Ống kính thì cần có tiêu cự từ 50 - 150mm, sử dụng trong phòng chụp rất cơ động.

Nikon D100 - Tốc độ 100, khẩu độ 8

Cách sử dụng đèn trong studio
Bạn cần có thêm một đèn fash “mồi trên máy ảnh" dùng để kích vào 3 đèn trong phòng (chỉ cần đèn bèo, cũ, hướng lên trần nhà để mồi). Hiện nay dân nhiếp ảnh hay sử dụng một bộ sóng FM (khoảng 250.000 - 400.000đồng) vừa chụp trong phòng vừa chụp ngoài trời, khi bấm máy cả 3 đèn đều cùng lúc phát sáng.
Khẩu độ trong phòng chụp cũng tuỳ, có thể 11, 8. Cách tìm khẩu độ đơn giản nhất trong phòng chụp là để chủ đề cách đèn 3m , để tốc độ cố định 100 chụp với nhiều khẩu độ khác nhau 8, 11, 5.6... Ảnh nào đúng sáng thì lấy làm chuẩn

- Tương phản gắt: Ta chỉ để một đèn, chếch 45 độ, bằng chiều cao với chủ thể (không để đèn cao quá, sẽ bị tối cằm, tối mắt...), cách xa khoảng 2m. Phía sau ta bố trí một đèn có công suất nhỏ (có che giấy kính màu cam) đánh vào tóc, có nhiệm vụ tách người ra khỏi phông đen làm cho hình nổi khối, rõ đường nét... Trong studio ta cần quan tâm thêm các chế độ cân bằng trắng, còn không cứ để Auto là xong. Ta phải thử thật nhiều, thì mới cho được kết quả tốt .
Nikon D100 - Tốc độ 100, khẩu độ 8
Một bên mặt hơi tối do không có đèn, tạo sự tuơng phản mạnh.
Chỉ có một đèn đuợc đặt bên trái.
Nikon D100 - Tốc độ 100, khẩu độ 8
Một đèn đặt bên phải
Một đèn tóc để sau lưng (có bọc giấy màu cam) làm tóc có đường viền sáng, ảnh nổi khối và đồng thời tách ra khỏi phông đen
- Tương phản dịu: Chủ thể cách phông đen 1m. Hai đèn chính để trước chủ thể một góc 45 độ, cách chủ thể khoảng 2m, đèn thứ 2 để cách xa khoảng 2,5m- 3m, có thể xa hơn… Sau lưng cũng bố trí một đèn tóc công suất nhỏ hơn đèn chính, sẽ cho ven sáng ở tóc rất đẹp. Kết quả cho ta thấy chủ thể sẽ có một bên sáng và một bên hơi tối rất đẹp.
Đèn bên trái đuợc dời xa hơn từ 0,5 - 1m. Mặt trái chỉ hơi tối tạo sự tuơng phản nhẹ, thích hợp cho ảnh chân dung phụ nữ, trẻ em.
Bóng đổ ở cổ do tóc che ánh sáng, nên vén tóc ra sau.
Có thể chuyển sang đen trắng trên máy ảnh, hay dùng photoshop.
Nón nên có màu sáng hơn, nón đen dễ tiệp vào phông đen
- Sáng đều: Để hai đèn chính cách chủ thể 2m, làm hai bên chếch 45 độ đánh thẳng vào chủ thể, chủ thể sẽ sáng đều. Cách này chủ yếu dùng để chụp thời trang...
Tay và mặt vẫn là chi tiết quan trọng nhất trong ảnh chân dung.
Không cò đèn tóc, tóc đen sẽ lẫn vào phông đen
Tóc bị dư sáng vàng vì đèn tóc gần đầu, cần dời xa 0,2 - 0,25m.
Tóc thưa hay mảnh hơn thì dời 0,3m
Không cần phải ra biển, chỉ cần cúp vừa mí áo, là có một teen xinh đẹp, khoẻ khoắn.
Hy vọng một vài kỹ thuật nhỏ sẽ giúp bạn vượt qua những bỡ ngỡ đầu tiên về kỹ thuật chiếu sáng trong studio.
Bài & ảnh Duy Anh

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Đo sáng trên máy ảnh : Dùng thế nào để có hiệu quả

Được sự tín nhiệm hôm nay ngày đầu làm hỗ trợ viên cho box Máy ảnh số, em làm 1 cái mini Tips về chức năng đo sáng trên máy ảnh số, hi vọng 1 vài kinh nghiệm cá nhân sẽ giúp mọi người hiểu thêm được về tính năng vốn ít dc khai thác trên máy ảnh. Trong thời gian tới mình sẽ viết dần các mini tips từ sơ cấp đến "cấp mà mình đang biết" để chia sẻ thêm với mọi người
Đo sáng trên máy ảnh : Dùng thế nào để có hiệu quả

Chỉ định : đã biết trước định nghĩa các chế độ A,S,P,M, Auto
  • Đo sáng trên máy ảnh nó là gì : trước tìm hiểu về cách đo sáng chúng cũng nên liếc qua 1 chút cái máy ảnh để biết nó là cái gì, và ở đâu trên cái máy ảnh
    Đầu tiên là các chế độ đo sáng mà máy ảnh cung cấp cho bạn bao gồm:
  1. Spot Metering - đo sáng điểm lấy nét: nếu bạn lấy nét vào đâu thì nó sẽ đo sáng tại đó
  2. Matrix Metering (nikon) - đo sáng toàn bộ khuôn hình: nó sẽ cộng trung bình ánh sáng của cả khuôn hình vào rồi tính ra 1 cách trung bình nhất ánh sáng của khuôn hình nhưng vẫn có chút ưu tiên tại điểm lấy nét.
  3. Center – Weighted - đo sáng giữa khuôn hình: khá giống như lấy nét vùng nhưng nó chỉ lấy nét quanh vùng trung tâm (cho các máy cấu hình thấp để tiết kiệm chi phí)
  4. Partial đo sáng vùng quanh điểm lấy nét: khi bạn lấy nét ở điểm nào thì nó sẽ đo sáng ở những vùng xung quanh điểm lấy nét và cho ra kết quả.
  • Đo sáng toàn diện lúc chỉ cho kết quả chính xác và đẹp nếu khuôn ảnh của bạn có ánh sáng đêu đặn
  • Đo sáng vùng và đo sáng điểm sẽ cho kết quả chính xác hơn, tùy thuộc vào chủ thể của bạn to hay nhỏ thì bạn cân nhắc chế độ đo sáng phù hợp.
  • Tuy nhiên những điều trên chỉ là cơ bản nhất khi bạn sử dụng các chế độ auto (S,P,A, Auto) và nếu khi bạn đang muốn chuyển mình sang 1 bước mới, để có khuôn ảnh chính xác hơn về ánh sáng, thì hãy chụp Manual, và dùng các chế độ A,S để đo sáng.
Cách đo sáng và ý nghĩa của nó :
  • Thứ nhất chúng ta xác định là sẽ chụp ở chế độ manual để có dc những bức ảnh đồng nhất về ánh sáng (chú ý 1 : ánh sáng chủ đạo ko thay đối, nếu có thay đổi phải đo lại)
Các bước thực hiện :
  1. Chuyển sang chế độ đo sáng điểm trên máy.
  2. Chọn chế độ chụp A hoặc S để đo sáng
    • Nếu là ánh sáng tự nhiên/hot light và mạnh thì chọn chế độ A sau đó qui định khẩu độ mà bạn muốn.
    • Nếu dùng đèn strobe/Flash thì chọn chế độ S, và qui định tốc độ chụp là 1/200 và đo
    • Nếu ánh sáng yếu thì đặt chế độ A sau đó đo vào vùng tối nhất mà bạn vẫn muốn có chi tiết hoặc chủ thể, nó sẽ cho bạn tốc độ, sau đó tăng iso dần lên cho đến khi nào chỉ số tốc độ đạt xấp xỉ chỉ số tiêu cự đang sử dụng (ví dụ tiêu cự 50 thì tốc ít nhất phải 1/50 để ko bị nhòe do run tay), sau đó chuyển lại sang chế độ S, cài tốc độ là tốc độ mà bạn đo dc trong mode A vừa rùi, sau đó tiến hành đo những phần con lại.
    • Cách đo là cứ đưa máy vào từng vùng sách chênh lệch khác nhau bạn sẽ có dc các chỉ số thay đổi Khẩu độ hoặc tốc độ
    Giải thích : với cách đo này khi bạn khóa 1 chỉ số khẩu độ hoặc tốc độ thì việc đo sáng sẽ cho ra chỉ số tương ứng còn lại.
  3. Cách tính độ lệch sáng dựa trên các chỉ số vừa đo :
    • Sau khi đo xong các bạn sẽ có dc những chỉ số về tốc độ và khẩu độ.
    • Trước khi nói típ chúng ta cần tìm hiểu 1 vài khái niệm như sau :
    • Trong nhiếp ảnh người ta qui định khi ánh sáng tăng gấp đôi hay giảm đi 1 nửa thì ng ta gọi đó là tăng hoặc giảm 1 Stop , khi điều chỉnh ánh sáng trên ảnh ng ta cho phép điều chỉnh tối thiểu 1/3 Stop cho mỗi lần chỉnh (tức là tăng /giảm 0.33% lượng sáng)
    • Cái rất hay mà mọi người ít chú ý là : khi các bạn dùng bánh xe để tăng hoặc giảm Iso/Tốc độ/Khẩu độ 1 nấc tương ứng với việc các bạn tăng hay giảm sáng 1/3 Stop do đó khi bạn kéo 1 thông số này lên 1 nấc và kéo thông số kia lên 1 nấc thì có nghĩa là ánh sáng ko đổi.
    • Iso và Tốc độ thì khi chỉ số tăng/giảm gấp đôi/1 nửa thì ánh sáng cũng tăng/giảm gấp đôi/1 nửa tương ứng, nhưng với khẩu độ thì khác, tăng sáng gấp đôi hay giảm 1 nửa thì chỉ số khẩu độ chỉ thay đổi 1.4 lần xấp xỉ căn 2 mà thôi ví dụ :khẩu từ 1.4 - > 2 : ánh sáng giảm 1 nửa = 1 stop từ 5.6 -> 4 : ánh sáng tăng gấp đôi = 1 stop[và ứng với mỗi nấc bánh xe khi thay đổi khẩu độ ta đã thay đổi 1/3 stop.
    • Vậy là mọi ng đã biết sự tương quan các chỉ số, và bây giờ chúng ta hoàn toàn qui đổi các chỉ số lệch tốc độ và khẩu độ đó ra các Stop, để biết chỗ này chênh lệch với chỗ kia bao nhiu Stop.
    • Chú ý 2 : nếu điểm A và điểm B lệch nhau từ 3 Stop trở lên (8 lần), điểm A là điểm sang và điểm B là điểm tối thì khi đó nếu ta lấy đúng sáng điểm A thì điểm B bị đen, và lấy đúng sáng điểm B thì điểm A bị Trắng, nghĩa là nếu chủ thể của bạn có 2 điểm chính như thế và bạn có ý định ko dùng bất kì thứ gì hỗ trợ ánh sáng mà vẫn để ánh sáng tự nhiên thì lời khuyên là ko nên chụp vì như thế ảnh sẽ bị bệt hoặc cháy, hãy nghĩa cách xoay chuyển khuôn hình sao cho ko có điểm chính nào lệch nhau quá 3 stop.
Và tất nhiên khi đã có các số đo và cách tính độ lệch sáng, thì việc còn lại của bạn là, xoay chuyển góc ảnh để có ánh sáng phù hợp, hoặc sẽ dùng nó để chơi đèn Strobe bổ sung, hoặc dùng hắt sáng để có ánh sáng đẹp hơn
Trong những bài kì tới sẽ hướng dẫn bạn cách dùng hắt sáng và đèn bổ trợ cho những trường hợp thiếu sáng nhưng ko muốn xoay chuyển góc ảnh
Trích Nguồn: Tinhte
hoang vi st

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Kỹ thuật cơ bản chỉnh sửa ảnh phong cảnh, chân dung

Để có một bức ảnh như ý, ngoài việc chụp ảnh tốt, bạn cũng cần phải nắm được những kỹ thuật chỉnh sửa ảnh cơ bản nhất. Hiện nay có nhiều phần mềm để chỉnh sửa ảnh, nhưng trong đó phổ biến nhất vẫn là Adobe Photoshop.


photoshop phongcanh chandung
Phần mềm chỉnh sửa ảnh Adobe Photoshop CS5


Phần mềm chỉnh sửa ảnh Adobe Photoshop đã đi đến phiên bản CS5, nhưng những bước cơ bản để chỉnh sửa ảnh thì đã khá hoàn thiện từ những phiên bản đầu tiên và không có nhiều thay đổi. Dưới đây là giới thiệu sơ lược về những tính năng cần thiết và cơ bản của Photoshop để bạn có thể tự làm những bức ảnh của mình đẹp hơn.

Chỉnh sửa ảnh phong cảnh


photoshop phongcanh chandung
Một chút Photoshop khiến bức ảnh thêm huyền diệu hơn - Người chụp: banggia03k4


Để có 1 bức ảnh phong cảnh đẹp, ngoài yếu tố góc máy, điều chỉnh chế độ chụp, điểm quan trọng nhất chính là yếu tố khoảnh khắc. Một bức ảnh hoàn hảo nhất sẽ là khi bạn bắt được những khoảnh khắc kì diệu của thiên nhiên hay thời tiết. Chỉnh sửa một chút với Photoshop, những bức ảnh này sẽ đẹp hơn, hấp dẫn hơn và độc đáo hơn.

photoshop phongcanh chandung
Chụp bằng file RAW sẽ cho phép chỉnh sửa gần như toàn bộ thông số của bức ảnh - Người chụp: banggia03k4


Đối với những người chụp ảnh phong cảnh chuyên nghiệp, họ thường chụp với định dạng file RAW. Định dạng này cho phép bạn có thể chỉnh sửa hầu hết những yếu tố trên bức ảnh: White Balance, Contrast & Brighness, Clarity, Vibrance, Saturation…

photoshop phongcanh chandung
Một bức ảnh không cần chỉnh sửa nhiều - Người chụp: may[5]


Chỉnh sáng tối

Xử lý ảnh trên file ảnh thông thường đơn giản hơn khá nhiều. Lệnh cơ bản đầu tiên là Ctrl+M, chỉnh sáng tối Curve. Sử dụng Auto giúp cân bằng lại sáng tối cho bức ảnh. Auto kết hợp với chỉnh sáng tối bằng tay sẽ khiến bạn ưng ý hơn với tác phẩm của mình. Đôi khi Auto hoạt động không hiệu quả và làm thay đổi màu sắc thật của bức ảnh, hãy chỉnh nhẹ nhàng trong khung Curve để đạt được độ sáng tối như ý mà vẫn giữ được ảnh gốc.

Lệnh cân bằng sáng tối Ctrl+L cũng quan trọng trong ảnh phong cảnh. Cũng có chế độ Auto để cân bằng sáng tối cho bức ảnh. Nếu bạn muốn tự làm, có 2 phần Input Levels và Output Levels cho bạn “mò mẫm”.

Chỉnh màu sắc

Chỉnh sửa Hue/Saturation bằng lệnh Ctrl+U. Không có chức năng Auto ở tính năng này, việc bạn làm là thay đổi thông số ở các cột Hue, Saturation và Lightness. Chỉnh sửa một chút theo trí nhớ, bạn sẽ có những bức ảnh y hệt với màu sắc và độ tươi của cảnh thật. Phá cách một chút bằng việc thay đổi mạnh mẽ những thông số, bạn sẽ có những bức ảnh thiên nhiên rất độc đáo, rất sáng tạo.

Cân bằng màu sắc Ctrl+B là công cụ thay đổi hay kích màu hiệu quả. Tính năng này cũng không có chức năng Auto, việc của bạn cũng là xử lý bằng tay tùy theo cách bạn muốn chỉnh sửa.

4 công cụ trên là tương đối đầy đủ cho một người chưa bao giờ sử dụng Photoshop làm đẹp cho bức ảnh của mình. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng các Layer để phối màu từng vùng, tạo khoảng sáng tối khác nhau; thậm chí sử dụng các công cụ tẩy xóa như Brush (B) hay clone (S) để xử lý các vùng thừa trên ảnh.

Chỉnh sửa ảnh chân dung

photoshop phongcanh chandung
Photoshop cho mẫu là việc không thể thiếu của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp - Người chụp: banggia03k4

Với những người chụp nghiệp dư, nét đẹp khuôn mặt hay cơ thể là điểm nhấn nổi bật trên những bức ảnh chân dung. Nếu đối tượng chụp có một vài khuyết điểm sẽ khiến những bức ảnh kém phần hấp dẫn. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa của Photoshop là không thể thiếu, nếu bạn muốn người được chụp và cả người xem cảm thấy ưng ý với bức ảnh của bạn.

photoshop phongcanh chandung
Sử dụng công nghệ Photoshop để tạo những bức ảnh theo phong cách riêng - Người chụp: iam.zin


Về cơ bản, chỉnh sửa vẫn bao gồm 4 công cụ chỉnh sửa màu sắc, ánh sáng, độ tương phản, kích màu như chụp phong cảnh: Ctrl+M, Ctrl+L, Ctrl+U, Ctrl+B. Bạn cũng có thể thay đổi tone màu theo ý thích bằng Layers, hay làm đen trắng cả khung hình để làm nổi bật chủ thể.

photoshop phongcanh chandung
Nổi bật cô bé trong bức ảnh bằng xử lý đơn giản - Người chụp: banggia03k4

Một công đoạn quan trọng không thể bỏ qua là chỉnh sửa khuôn mặt chủ thể. Việc làm trắng mịn da, xóa mụn, make up lại khuôn mặt là cần thiết. Bạn có thể sử dụng các công cụ trên Photoshop như Healing Brush Tool (J) , Patch Tool (J) hay Clone Stamp Tool (S) . Sử dụng Blur để làm mịn da, tăng sáng cho mặt, làm trắng răng, xóa bỏ mắt đỏ nếu có, đánh phấn hồng cho má, thêm son cho môi. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng Plugin hỗ trợ trong Photoshop như Neat Image làm mịn da, hay Imagenomic Portraiture…

Nếu muốn chỉnh sửa kích cỡ khuôn mặt hay thay đổi số đo một vài vòng không như ý muốn, bạn cần sử dụng đến công nghệ “Co - Kéo” Liquify – với phím tắt Ctrl+Shift+X. Đây là việc không hề đơn giản, nếu thậm chí là phần khó khăn nhất trong công nghệ Photoshop. Nếu các bạn khéo léo và biết cách thêm bớt thì chắc chắn chủ thể trong ảnh sẽ trở thành siêu mẫu, nhưng đừng quá lạm dụng công cụ này, bởi nó có thể biến chủ thể của bạn thành một con người hoàn toàn khác.

Rõ ràng, việc chỉnh sửa ảnh với Photoshop không hề đơn giản nhưng nếu nắm được những kỹ thuật cơ bản, bạn vẫn có thể tự chỉnh sửa những bức ảnh do mình chụp trở thành những bức ảnh đẹp lung linh và độc đáo hơn rất nhiều.


hoangvi st

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

DSLR + Epic Pro: Chụp panorama siêu phân giải

GigaPan là dự án hợp tác của Google, Đại học Carnegie Mellon và NASA. Mục tiêu của GigaPan là tạo ra những bức ảnh phức hợp có độ phân giải cực lớn (gigapixel)

Các sản phẩm trước đây của GigaPan là GigaPan Epic và GigaPan Epic 100 - được thiết kế cho các máy ảnh compact thông thường.

gigapan
Sản phẩm GigaPan Epic dành cho các máy ảnh Compact


gigapan
Sản phẩm GigaPan Epic 100 dành cho các máy ảnh PnS cỡ lớn hoặc các máy DSLR cỡ nhỏ

Sản phẩm mới - GigaPan Epic Pro cho phép người dùng dễ dàng dùng máy ảnh DSLR của mình để chụp nhiều bức ảnh nhỏ, ghép thành một bức ảnh lớn có phân giải tới vài Gigapixels.

gigapan
Sản phẩm GigaPan Epic Pro dành cho các máy ảnh DSLR đời cao

Một số chức năng nổi bật của Epic Pro:
  • Epic Pro có thể chịu được trọng lượng lên tới 4,5kg cho cả máy ảnh và ống kính.
  • Tăng cường tính linh hoạt trong sử dụng của Epic Pro, đơn giản trong việc điều chỉnh 4 hướng để lựa chọn vị trí chụp tối ưu nhất.
  • Chắc chắn, bền bỉ và gọn gàng: Epic Pro được thiết kế với bộ khung Magie và các giá đỡ bằng nhôm nên trọng lượng của nó chỉ vào khoảng 3,6kg (đã bao gồm cả pin).
  • Epic Pro cho phép chụp liên tiếp nhiều bức ảnh. Tại mỗi vị trí có thể chụp tới 20 lần với thời gian phơi sáng khác nhau để sử dụng làm ảnh HDR (High Dinamic Range) hoặc tăng thêm số ảnh để sử dụng cho việc tạo ra một bức ảnh lớn hơn.
  • Tối ưu hóa phạm vi chuyển động: Epic Pro cho phép chụp những bức ảnh panorama toàn cảnh lên tới 360 độ và góc nghiêng từ -65/+90 độ với độ chính xác cao.
  • Điều chỉnh một vài tính năng như: thời gian trễ giữa mỗi lần chụp, tốc độ mô tơ, tỉ lệ co của ảnh, ....

gigapan
Sản phẩm GigaPan Epic Pro cùng với bộ máy ảnh EOS 5D MarkII và ống kính 16-35mm f2.8L USM

Đi kèm với Epic Pro là phần mềm GigaPan Stitch. Phần mềm này hỗ trợ ghép và hòa trộn hàng trăm bức ảnh vào thành một bức toàn cảnh hoàn chỉnh với độ phân giải lớn.

gigapan
Giao diện phần mềm GigaPan Stitch

Sản phẩm Epic Pro sẽ được bán rộng rãi từ tháng 4 năm 2010 với giá thành vào khoảng 895$.

Tham khảo: www.gigapansystems.com

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

CHIA SẺ KINH NGHIỆM CHỤP HÌNH

Các bạn thân mến,

Khi bàn đến chuyện chụp hình hẳn ai cũng có nhiều điều mà thuật lại, nhứt là mỗi khi chụp được một tấm hình vừa ý, càng khó khăn bao nhiêu càng thích thú bấy nhiêu. Mỗi người lại có cách nhìn khác nhau về mọi sự việc, do đó xin các bạn đừng lấy những điều tôi viết làm mẫu mực, chỉ xin coi đó như những lời tâm tình, những chia sẻ để cùng học hỏi. Hơn nữa, mong các bạn cùng viết ra những kinh nghiệm của mình cho tất cả cùng thưởng thức. Tôi xin phép được nhớ đến đâu viết đến đó nha các bạn.

1) Có nên mua máy hình tốt, đắt tiền không?

Tôi nghĩ là không cần trong giai đoạn đầu khi bạn muốn tìm hiểu về chụp hình. Ngay cả nếu bạn có ý định đi hẳn chuyên môn về chụp hình, như sống với nó, coi nó như lẽ sống. Với một máy hình bình thường, bạn vẫn có thể chụp được những bức hình đẹp, lạ, gây thích thú nơi người thưởng ngoạn như thường, chẳng cứ gì phải sắm máy thật nhiều đắt tiền, nhiều đặc tính. Dù có máy ngon, nhưng nếu bạn chưa nắm vững về tốc độ, ánh sáng, bố cục, tấm hình của bạn vẫn kém xa một người chỉ xài một máy ảnh tầm thường. Thiếu gì trong nhóm bạn bè đi chụp hình chung với tôi, ngay cả các ông thầy chuyên môn, chụp cả hai ba cuộn phim mà vẫn không có tấm nào xuất sắc, nhiều lúc phải dấu luôn không dám khoe. Nhưng cho dù như vậy, những thất bại đó chính là những bài học đáng giá cho mình. Do đó bạn có máy chi, cứ xài máy đó, vấn đề là bạn phải cần xách máy ra đi chụp và thực tập. Vì có chụp bạn mới có ảnh, có ảnh bạn mới có thể bàn cãi và học hỏi với những người khác, hầu làm cho bức ảnh trở nên khá hơn bằng cách thu gọn bố cục làm nổi bật chủ đề, dùng kỹ thuật phòng tối làm màu sắc đậm đà hơn, hay dùng các thảo trình điện toán sửa chữa các điểm hư, v.v.

2) Chụp thế nào – nhiều hay ít, nhanh hay chậm?

Ở VN ngày xưa, tiền phim, tiền tráng hình đều cao nên ai nấy đều ngại chuyện chụp lung tung. Qua đây và với thời giá, tiền phim hay “memory card”, tiền tráng hình không là bao, cho nên bạn không nên quá ngại ngần chi phải chụp nhiều hình. Nhứt là với máy ảnh số (digital camera), bạn có thể xem lại và chọn lọc trước khi rửa thành hình, sở phí lại càng xuống thấp hơn.

Khi đi chụp hình, máy ảnh của bạn lúc nào cũng phải sẵn sàng, có chuyện hay cảnh chi hay là cầm lên bấm liền. Như vậy chắc chắn bạn không mất những hình ảnh sống động. Sau đó muốn thay đổi tốc độ, hay khẩu độ cho vừa ý hơn thì làm lại. Chứ còn ở đó mà chọn ống kính, chọn tốc độ /khẩu độ thích hợp, cơ hội không chờ bạn đâu. Nhứt là khi bạn đi chụp hình phóng sự (biểu tình, đám cưới, đám ma, du hành, v.v), hay đang đi du hành, bạn chỉ có một hay hai giây để chụp cảnh tượng đó. Có một tấm làm vốn trước cho chắc ăn bạn ơi! Xấu đẹp tính sau!

Dĩ nhiên là nếu bạn chụp hình sáng tác, bạn cần phải sửa soạn lâu hơn, canh cho thật chính xác, và khi chụp cũng nên chụp với vài khẩu độ và tốc độ khác nhau để phòng hờ. Một lần đi chơi, một lần sửa soạn rất mất công sức và thời giờ, do đó chúng ta không nên quá tiết kiệm trong việc chụp dư ra một chút.

3) Rửa hình ở đâu?

Nếu chúng ta chỉ muốn có hình ghi lại hình ảnh trong gia đình, của chuyến đi mà không tính đến chuyện gởi dự thi, tranh giải thì rửa ở đâu tiện thì thôi. Nhưng nếu bạn muốn có hình với màu sắc đúng mức, hay muốn làm cho đậm hay nhạt hơn, chắc chắn ở các nơi như Costco, Wal Mart không thể nào làm bạn thỏa mãn. Bạn cần phải đến các tiệm chụp và rửa hình chuyên môn, tốt nhất là hỏi thăm bạn bè xem ở đâu có uy tín và giá cả phải chăng. Để bạn so sánh cho vui, một cuộn phim 24 tấm rửa ở Costco tốn $3.50 và hình thì lúc nhạt lúc đậm, chẳng lần nào giống lần nào. Còn ở tiệm hình chuyên môn, giá rửa hình cho cuộn 24 sẽ vào khoảng $8, nhưng màu sắc thật là một trời một vực. Thêm nữa là tại các tiệm chuyên môn, chủ nhân thường cũng là tay chơi hình nhà nghề, họ có thể cố vấn cho bạn trong việc chọn mầu sắc trong hình, hay cắt xén làm sao cho hình trở nên đẹp hơn, bắt mắt hơn.

4) Một tấm hình đẹp

Khi mới chụp hình, chúng ta thường có khuynh hướng chụp tấm hình với thật nhiều chi tiết, vì chúng ta không muốn mất đi một chi tiết nào. Do việc ôm đồm quá nhiều chi tiết trong cùng tấm hình, làm chẳng có điểm nào nổi bật, khiến đôi lúc người xem không biết mình muốn nói điều chi. Những tấm ảnh nghệ thuật, chiếm giải thưởng, thường khi nhìn vào chúng ta thấy ngay chủ đề mà tác giả muốn chuyên chở đến cho người thưởng ngoạn. Dĩ nhiên muốn chụp được như vậy, người chụp cần sửa soạn và chụp nhiều lần. Nhưng không phải các tay nhà nghề đều chụp hình đẹp, chuyện “tổ trác” vẫn thường xảy ra, cũng như các tay chụp hình tài tử đôi lúc “tổ đãi” vẫn cho ra những tác phẩm để đời như thường.

Một tấm hình được coi là “đạt” khi có đủ ba đặc tính:

- ánh sáng đầy đủ,

- có kỹ thuật,

- có mỹ thuật.

Trong ba trên chúng ta thấy hầu như phần nào cũng đều do kinh nghiệm. Chúng ta có thể dùng máy đo ánh sánh mà chọn cho đúng khẩu độ, kỹ thuật cho vững thì cần phải chụp nhiều và học hỏi, duy có con mắt mỹ thuật thì đôi lúc có người bẩm sinh giỏi hơn người khác, nhưng nếu không trui luyện thì cũng như không. Các cụ ta vẫn thường nói “hát hay không bằng hay hát” mà lị! Khi chúng ta nắm vững các phần trên rồi, lúc đó mới tính đến chuyện máy tốt và ống kính sắc nét. Còn không chuyện mua máy hình và ống kính đắt tiền chỉ là đi nhát ma thiên hạ mà thôi. Chuyện cần thiết bây giờ là các bạn cần tham dự các lớp nhiếp ảnh nếu có thể, đọc thêm sách mà học kinh nghiệm, thảo luận & học hỏi với những người đi trước, đi ra ngoài chụp hình & sáng tác, rồi đem về rửa ra xem mà rút kinh nghiệm bản thân cho lần sau.

5) Hình có cần sửa chữa không?

Rất hiếm khi nào bạn gặp một tấm hình hoàn hảo 100%! Hầu hết các tấm ảnh gởi dự thi, hay ảnh đẹp cũng đều trải qua giai đoạn điều chỉnh và sửa chữa. Với các kỹ thuật hiện đại như “Photoshop”, việc sửa đổi tấm hình cho ngon lành, cắt xén hay thêm bớt, thật quá dễ dàng!

Để giúp cho việc cắt xén bớt các phần thừa không cần thiết, hay thu gọn tấm hình để làm nổi bật chủ đề, việc đầu tiên các bạn nên làm là lấy một tấm bìa cứng mầu xậm, cắt lấy 2 miếng hình thước thợ, như chữ L hoa. Để thực tập, bạn cứ việc lấy các tấm ảnh cũ ra xem lại, dùng hai tấm bìa này che đi những phần thừa không cần thiết trong tấm hình, rồi đứng ra xa mà xem lại. Đôi lúc hôm nay mình chọn phần này, mai mình lại chọn phần khác, tất cả những giai đoạn trên là sự thực tập cho bạn trong phần bố cục tấm hình, nhận biết cái nào là chính, cái nào phụ, phần nào bổ xung cho chủ đề, phần nào có thể dẹp bỏ. Khi biết cắt xén và chọn lấy phần đẹp rồi, các tấm hình của bạn chắc chắn là phải khá hơn lúc ban đầu.

Một khi đã quyết định tiến bước trên con đường nghệ thuật nhiếp ảnh, với những bức ảnh chụp trong các chuyến đi sáng tác, hoặc những buổi họp mặt quan trọng, bạn nên đem đến các tiệm chụp hình chuyên nghiệp mà rửa. Để làm chi? Mục đích là để các bạn thẩm định là nên giữ lại tấm nào, bỏ tấm nào, cắt xén khúc nào khi mầu sắc ở mức độ hoàn hảo nhất. Chứ nếu chúng ta đem đi rửa ở những nơi làm chưa đúng mức thì làm sao chúng ta biết là tấm hình chúng ta chụp có khá không? Đôi lúc vì cứ đi rửa phim ở những nơi rẻ tiền, hình chúng ta xem rất chán, khiến chúng ta đâm ra nản và tự cho là mình không có khiếu chụp hình, chẳng muốn cầm đến máy.

6) Vài căn bản về máy ảnh

6a) Ống kính của máy ảnh được phân biệt bằng tiêu cự của nó, hay nói cách khác, bằng góc độ thu nhận hình của ống kính đó. Tiêu Cự của ống kính là khoảng cách từ mặt phim tới Tâm của ống kính. Tâm của ống kính là một điểm vô hình, ta không thấy và hãng sản xuất cũng không đánh dấu trên ống kính cho ta biết. Đại khái là điểm này thường nằm ngay nơi màng trập, hoặc rất gần màng trập. Màn Trập là những tấm thép mỏng, đóng hay mở lớn nhỏ…để điều chỉnh lượng ánh sánh vào mặt phim.

Tiêu cự ống kính càng ngắn thì góc độ thu nhận hình càng rộng; tiêu cự càng dài thì góc độ thu hình càng hạn hẹp.

- Ống kính tầm rộng (wide angle lenses) có tiêu cự 35mm hoặc ngắn hơn: dùng chụp toàn cảnh.

- Ống kính cơ bản (normal lenses) có tiêu cự trong khoảng 40-50mm: thường đi kèm máy ảnh.

- Ống kính với tiêu cự dài (long focal lenses) có tiêu cự từ 75-135mm: tiện để chụp chân dung.

- Viễn kính (telephoto lenses) có tiêu cự từ 180mm trở lên: để chụp những gì ở xa.

- Zoom: ống có tiêu cự thay đổi và góc độ mở cũng thay đổi theo. Tiện lợi khi đi du lịch vì nhẹ nhàng và rẻ hơn số ống kính đơn mà nó thay thế, nhưng hình ảnh không sắc nét và sáng bằng.

Ghi chú: Nên mua ống kính cùng hiệu với thân máy. Muốn tạo hình ảnh sắc nét, rõ ràng, trong trẻo, có phẩm chất cao, ống kính phải tốt. Ống kính tạo phẩm chất của hình ảnh, không phải thân máy. Ống kính đắt tiền chưa hẳn là tốt, nhưng ống kính tốt chắc chắn là phải đắt.

6b) Khẩu độ của ống kính là độ mở lớn hay nhỏ của màng trập để ánh sáng đem hình ảnh qua đó ghi vào mặt phim. Khẩu Độ (f) là kết quả của bài toán chia giữa Tiêu Cự (F) với đường kính mở (d) của màn trâp: f = F / d .

Theo qui ước, các khẩu độ trên ống kính thường được ghi : 1.4 – 2 – 2.8 – 4 – 5.6 – 8 – 11 – 16 -22….

Trị số càng nhỏ, đường kính màn trập càng lớn và ngược lại. Bất cứ hai khẩu độ nào liền nhau, ví dụ f/5.6 và f/8, khẩu độ f/5.6 có diện tích quang khẩu lớn gấp hai lần f/8, do đó f/5.6 cho ánh sáng vào mặt phim nhiều gấp hai lần f/8.

6c) Tốc độ của máy ảnh là khoảng cách thời gian màng trập mở để ánh sáng lọt qua ống kính, đem hình ảnh vào mặt phim, rồi đóng lại.

Tốc độ trên máy ảnh thông thường là T-B-1-2-4-8-15-30-60-125-250-500-1000-2000-4000-8000

T (time) là tốc độ mở lâu, khi bấm máy lần thứ nhất, màng trập mở, khi bấm lần thứ hai, màng trập đóng. Nhiều máy ngày nay không có tốc độ T này.

B (bulb) cũng là tốc độ mở lâu, khi ta bấm máy và giữ như vậy, màng trập mở, khi ta buông tay, màng trập đóng lại.

1 là một giây, từ 2 trở lên là 1/2, 1/4, 1/8…của một giây đồng hồ.

Lấy bất cứ hai tốc độ nào liền nhau như 1/125 giây và 1/250 giây, tốc độ 1/250 giây nhanh gấp hai lần tốc độ 1/125 giây.

6d- Phim / Mạch Cảm Ứng / Thẻ Lưu Trữ (sensor, memory card)

Đại loại, với các loại máy thường, ánh sáng được ghi nhận qua lớp Nitrat bạc tráng trên tấm nhựa, gọi là phim. Còn các loại máy digital, các mạch cảm ứng điện (sensor CCD hay CMOS) chuyển đổi ánh sáng thành âm điện tử (electron), rồi ghi vào các thẻ lưu trữ, nên mạch cảm ứng điện có thể xem như lớp nitrat bạc, còn thẻ lưu trữ có thể xem như là phim để đem đi rửa hình ở tiệm.

Máy dùng phim thì cần đem theo nhiều phim và nhiều loại khác nhau, còn máy digital chúng ta không cần, vì có thể dùng thẻ lưu trữ có sức chứa lớn, cộng với khả năng thay đổi độ nhạy ISO của máy digital.

Đơn vị đo độ nhạy của phim là ISO (theo qui luật của International Standard Organization). Phim có trị số ISO càng cao thì nhạy sáng hơn phim có ISO thấp. Phim 200 ISO thì nhạy gấp hai lần phim 100 ISO.

Đặc tính chung của phim.

- Phim chậm, dưới 64 ISO: rất mịn hạt, ghi được nhiều chi tiết, tương phản khá cao, độ dung sai ít.

- Phim trung bình, từ 80 đến 320 ISO: nhóm phim thông dụng, dễ sử dụng. Phim mịn hạt, tương phản và dung sai trung bình, ghi nhận khá nhiều chi tiết.

- Phim nhanh, từ 400 đến 1000 ISO: cũng là nhóm phim thông dụng cho những ai muốn chụp ảnh “tranh tối tranh sáng” mà không muốn dùng flash, hay dùng tốc độ nhanh nắm bắt các hoạt cảnh, hay đóng nhỏ ống kính để có chiều sâu. Hạt hơi thô, tương phản nhẹ, độ dung sai cao, chi tiết khá.

- Phim cực nhanh, trên 1000 ISO: Phim thô hạt, tương phản nhẹ, độ dung sai khá cao, không ghi nhận được nhiều chi tiết bằng ba loại trên. Ai muốn chụp ảnh và khi in hình có hạt thô thì dùng loại phim.

Phim có dung sai cao là loại phim nếu ta chụp thừa hay thiếu sáng, khoảng một hay hai nấc, mà hình ảnh, màu sắc vẫn trung thực một cách chấp nhận được. Nếu chỉ có thể chụp thừa thiếu khoảng nửa nấc thôi, hơn thế hình ảnh ảnh sẽ hư, xấu thì đó là phim có dung sai thấp.

Phim khi mua về nên cất trong ngăn đá tủ lạnh, khi dùng lấy ra để ở ngoài khoảng 15 phút trước khi lấp vào máy. Chụp xong chưa kịp mang rửa, cũng nên giữ trong ngăn đá tủ lạnh.

Để có thể xem là tương đương với độ mịn của phim, khi in ra hình, máy digital cần phải có độ thu nhận ánh sáng khoảng 16 megapixels. Giá cả loại máy digital này ở thị trường vẫn còn đắt lắm, hy vọng trong tương lai sẽ giảm dần với sự thăng tiến của kỹ thuật.

Ở đây tôi chỉ ghi vắn tắt, nếu muốn biết chi tiết hơn, các bạn nên vào thư viện khiêng về vài quyển dạy chụp hình máy phim và máy digital mà nghiền ngẫm.

6e- Những điều cần ghi nhớ

Thân máy ảnh cho ta một số tiện nghi, nhưng phẩm chất của hình ảnh gần như hầu hết là nhờ ở ống kính và tài nghệ của người dùng máy. Do đó nếu muốn hình ảnh có phẩm chất cao, nên dùng ống kính tốt, không nên dùng thân máy tốt chung với ống kính tệ.

Mỗi lần đổi ý, thay đổi từ loại máy này sang loại máy khác rất tốn kém. Nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định dùng loại máy nào.

Mua máy ảnh là để chụp cho có ảnh. Nếu loại máy nào có cơ nguy không hoạt động khi trời lạnh hay ẩm thì không nên mua.

Máy ảnh quá nhẹ, hay quá nặng đều dễ làm rung máy khi chụp. Máy ảnh và ống kính dù là loại thượng hạng, nhưng khi chụp bị RUNG thì phẩm chất hình ảnh cũng không bằng máy rẻ tiền nhưng không bị rung khi chụp. Muốn tránh RUNG máy, dùng chân máy và dây bấm (cable release).

Máy ảnh điện tử tự động không giản dị như ta nghĩ, nhưng rất ư là rắc rối, vậy bạn cần đọc kỹ quyển chỉ dẫn, đem theo trong bị máy ảnh và đọc đi đọc lại luôn luôn.

Khi gặp tình trạng thiếu sáng, tranh tối tranh sáng, nên mở khẩu độ lớn như 1.4, 2, 2.8 và 4. Khẩu độ lớn làm giảm chiều sâu, nhưng lại có thể lợi dụng nó để xóa mờ hậu cảnh.

Khẩu độ 5.6 thích hợp nhất cho chụp chân dung.

Khẩu độ tối hảo là 8 với khả năng ghi nhận chi tiết, màu sắc, sắc độ cao nhật
Khẩu độ 11, 16, 22 cản bớt ánh sáng vào ống kính, đồng thời làm tăng chiều sâu.

Khi chụp chân dung, nên dùng ống kính khoảng 100, và muốn cho rõ từng đường nhăn nơi gương mặt các cụ già thì có thể kết hợp tốc độ và khẩu độ như 1/125 và 8, hay 1/60 và 11, hay 1/30 và 16. Còn như muốn chụp các cô trẻ không muốn thấy mụn, hoặc vết nhăn thì nên kết hợp 1/250 với 5.6, hay 1/500 với 4, hay 1/1000 với 2.8. Các bạn cứ thử vài lần cho quen, sau đó có đi chụp hình kiếm ra tiền thì nhớ tôi với nghe.

Giữa cách chọn tốc độ và khẩu độ cố định trên máy tự động, chúng ta nên chọn tốc độ cố định, lúc đó máy sẽ tự động điều chỉnh khẩu độ thì tốt hơn. Ngoài trời nên để tốc độ là 125, chụp phong cảnh nên để tố độ 30, còn ở trong nhà nên để ở tốc độ 80.

Chụp hoa không nên để quá nhiều ánh sáng, vì sẽ làm hoa mất màu hoặc quá trắng. Còn chụp ngược sáng, sẽ làm nỗi gân và lông của hoa.

Thay vì bắt hình ảnh đứng lại bằng cách chụp ở tốc độ nhanh, chúng ta có thể biểu hiện tính động bằng cách để tốc độ ở 1/4, 1/8, hay /15 lia máy theo vật đang chuyển động và đồng thời bấm máy.

7) Bố Cục Trong Ảnh

Đây là vấn đề khá nhức đầu cho người chụp hình, làm sao tạo nên sự khác biệt giữa một tấm ảnh bình thường và một tác phẩm nhiếp ảnh.

Bố cục trong nhiếp ảnh bao gồm việc sắp xếp, tạo sự liên lạc, tạo ý nghĩa, phối hợp các thành phần cấu tạo nên tấm ảnh, sao cho tấm ảnh được duyên dáng, gây thích thú và xúc động nơi người xem.

Bố cục là vấn đề sinh tử của nhiếp ảnh. Máy móc, ống kính, phim, giấy, máy phóng…có tốt đến đâu cũng không làm tấm ảnh của chúng ta thành tác phẩm, nếu chúng ta không luyện tập về bố cục.

Bố cục cũng không thể học tắt ngang được, mỗi nhiếp ảnh gia có một cách bố cục riêng, và đó là cá tính của họ. Chúng ta có thể học hỏi về bố cục bằng cách nghiên cứu ảnh của các nhiếp ảnh gia cũ mới xuyên qua các cuộc triển lãm, sách, báo, phim,…

Những thành phần của bố cục, Chủ Đề, Đường Nét, Mảng Màu Sắc, Bối Cảnh, mỗi thứ có một nhiệm vụ riêng, nhưng lại phải liên kết, bổ túc lẫn cho nhau một cách mật thiết để cùng vun bồi cho CÁI ĐẸP của tác phẩm.

7a - Chủ đề là đối tượng chính yếu của tác phẩm và chỉ nên có một chủ đề mà thôi. Cần phải làm cho chủ đề nổi bật ra khỏi đám đông trong ảnh, bằng cách như:

- đem chủ đề lại gần hơn, lớn hơn các phần khác,

- cho màu sắc nổi hơn, đậm đà hơn những phần khác, đặc biệt hơn,

- so sánh sự động hay tĩnh, mờ nhạt đối với sắc nét, già trẻ, lớn bé, mịn màng đối với nhăn nheo, v.v.

7b – Đường nét trong bức ảnh cho ta những ý nghĩa khác nhau, như:

- đường thẳng ngang cho ta thấy sự yên tĩnh, bình thản;

- đường thẳng đứng tạo cho ta cảm giác khoẻ mạnh, rành rẽ, dứt khoát;

- đường chéo tạo sự mạch lạc, sống động;

- đường cong đứng tạo sự uyển chuyển, mềm dẻo, rung cảm;

- đường cong ngang và uốn lên tạo sự cố gắng, cầu tiến;

- đường cong ngang và uốn xuống gây cho ta cảm nghĩ buông thả, nổi trôi;

- đường gẫy mang đến tâm trạng phức tạp, sôi nổi;

- đường nét hỗn tạp gây sự rắc rối, hoang mang, hỗn loạn;

- đường nét hội tụ tạo được chiều sâu, ý tưởng xuất phát hay đạt tới;

- đường nét kỷ hà hay lập đi lập lại tạo nên ý tưởng nhịp nhàng,…

7c – Mảng màu sắc: khi chụp hình sắc nét chúng ta có những sắc độ phân minh, nhưng khi chụp mờ nhoè chúng ta sẽ có các mảng màu sắc hay mảng đậm lợt. Ý nghĩa của màu sắc và sắc độ:

- những màu nóng gồm cam, vàng, nâu, đỏ và xám lợt (khi chụp phim trắng đen), màu nóng tạo nên những ý tưởng tươi vui, cởi mở, kích động, đam mê,…

- những màu lạnh như xanh, lục, tím, chàm, xám đậm hoặc đen lại tạo ý tưởng buồn bã, chán chường, nặng nề, đe dọa,…

Sử dụng ý nghĩa của màu sắc, hay các mảng sắc độ thích hợp sẽ làm tăng ý nghĩa của chủ đề.

7d – Bối cảnh là những thành phần trên ảnh cùng với chủ đề, nhưng không được nổi qua mặt chủ đề. Bối cảnh giúp bổ túc ý nghĩa cho chủ đề, nâng chủ đề lên cho nỗi hơn…do đó bối cảnh phải thua kém chủ đề về mọi phương diện như tỷ lệ, màu sắc, sắc độ, mờ nhoè, v.v.

Muốn bức ảnh của mình ai cũng hiểu được thì bố cục cần phải giản dị, từ chủ đề cho đến các thành phần của nó như đường nét, nội dung, bối cảnh, mảng màu sắc.

7e – Ứng dụng

Vạn vật trong thiên nhiên không mấy khi bày biện sẳn để chúng ta chỉ việc bước đến, giơ máy lên chụp, đem về rửa ảnh là có được tác phẩm! Một tác phẩm nhiếp ảnh, khởi đầu là việc chụp, dù là do ta gầy dựng cảnh, hay chụp cảnh vật có sẵn, cũng phải qua diễn trình tạo bố cục.

- khi dựng cảnh chụp: cần nghiên cứu ý nghĩa của tác phẩm mà chúng ta muốn thực hiện (buồn, vui, hùng vĩ, mong manh, thơ mộng, v.v.), tiếp đến là chọn chủ đề, bối cảnh… sao cho phù hợp với ý nghĩa của tác phẩm về đường nét, ánh sáng, sắc độ sao cho đồng thuận, hay tương phản nhằm tăng ý nghĩa.

- khi chụp cảnh vật có sẵn: trước hết là quan sát cảnh vật từ xa đến gần, đủ mọi góc cạnh…đồng thời nhận định ý nghĩa của cảnh vật do đường nét, ánh sáng, màu sắc, bối cảnh…biểu hiện; sau nữa là thử dời vị trí máy qua phải, qua trái, lên cao, xuống thấp, lùi ra xa, tiến lại gần, đóng bớt khung ngang hay dọc…ở nhiều vị trí khác nhau, đồng thời quan sát để lùa các thành phần của bố cục vào vị trí thuận lợi.

Thời gian gần đây, tôi thấy có hai phim khá hay và rất đáng thưởng thức, dành cho các bạn muốn nghiên cứu sâu hơn về chụp hình, đó là phim “Spring, Summer, Autumn, Winter, and Spring” và “Memoirs of a Geisha”.

Phim “Spring, Summer, Autumn, Winter, and Spring” từ đầu chí cuối chỉ có độc một cảnh là cái am tu hành của một nhà sư và cậu học trò. Các bạn sẽ có dịp nhận xét kỹ thuật thu hình qua từng góc độ thời gian, việc ghi nhận và biểu hiện tình cảm, hình ảnh của cuộc đời và sự xoay vần, v.v. Nền điện ảnh Đại Hàn đã tiến một bước dài qua cuộn phim này.

Phim “Memoirs of a Geisha” trong CD thứ hai, cho thấy công phu nghiên cứu tường tận của từng chi tiết về không gian và thời gian, sự giàn dựng hình ảnh để có thể nói lên được tất cả những gì trong truyện, cái hay là gói ghém tất cả khoảng hơn 2 giờ. Nguyên cả phái đoàn quay phim đã đi lại đoạn đường cùng tác giả, thời gian và không gian được sử dụng, và cấu kết thành truyện. Tất cả những thứ ấy chỉ là hư cấu, không phải thực! Nước Nhật hiện nay quá phát triển, không thể nào tìm cho ra một nơi nào hoàn toàn để có thể diễn tả câu truyện…và kết quả là họ đã dựng nguyên một khu vực để quay cuốn phim này…mà lại trên đất Mỹ mới hay chứ! Sự sắp xếp bố cục, chọn lựa hình ảnh, đường nét, ánh sáng, bối cảnh…thật là tuyệt vời!

Sau khi xem mỗi bạn sẽ rút ra cho mình một kinh nghiệm và đường hướng riêng…nhưng có điều chắc chắn là từ đây các bạn sẽ chụp hình và xem phim một cách thú vị hơn. Không còn bị cuốn hút trong tình tiết của câu chuyện mà sẽ đi sâu hơn vào kỷ thuật dựng hình, dựng phim, cũng như sự diễn xuất của các vai trong phim, hay các bối cảnh sử dụng trong hình.

8) Kinh Nghiệm

Dùng để viết các phần trên một phần là kinh nghiệm bản thân, một phần là do đọc sách, nhưng phần lớn là tài liệu dành cho các khóa huấn luyện về nhiếp ảnh của Hội Nhiếp Ảnh VN Vùng HTD, mà ngày xưa bác Thái Thuỵ Vy có thời là Phó Hội Trưởng, bây giờ bác ấy chạy về Arizona hưởng nhàn mất rồi.

Phần căn bản về máy móc, chụp hình, bố cục kể như tạm xong, nhưng để cho có một bức ảnh tạm gọi là đẹp, chúng ta cần phải xách máy ra mà thực hành, càng nhiều càng tốt, rồi đem những hình đó ra mà thảo luận trong nhóm bạn chụp ảnh. Dĩ nhiên là mỗi người mỗi ý, nhưng chắc chắn là thế nào cũng có một vài điều hay, đáng để chúng ta học hỏi.

Tôi mong các bạn sẽ sẵn sàng đóng góp vào đây các kinh nghiệm đã trải qua, để tất cả chúng ta cùng có dịp ôn lại và học hỏi. Những gì tôi viết ra đây thực sự là cho tôi đó các bạn ơi! Các bạn nhớ phụ tôi một tay nha.

8-1 Tư thế chụp hình

Thông thường chúng ta chỉ đứng ngay người, ngắm và bấm máy —> bức hình chúng ta chụp được có vẻ như mọi thứ dồn cục lại với nhau, nhứt là khi chúng ta cảnh đường phố bên ngoài với nhiều người đi bộ, trong một bữa tiệc, cảnh sắc thiên nhiên, v.v. Thay vì như thế, chúng ta thử tìm một vị thế cao hơn, đứng trên một mô đất, mỏm đá, hay một chiếc ghế mà chụp —> hình ảnh trong hình sẽ được trải đều ra, và chắc chắn là nhìn bắt mắt hơn. Có khi chúng ta cũng nên thay đổi một chút bằng cách quì xuống mà chụp, hay nằm xuống để đưa chủ đề lên cao hơn, khác với bình thường.

8-2 Phim và Thẻ Lưu Trữ (memory card)

Có lẽ hiện nay, các bạn đều quay ra xài máy digital hết rồi, cho nó tiện, nhất là những khi du hành. Tôi cũng đang từ từ chuyển qua máy digital đây bạn ơi! Nhất là đỡ phải mang theo nhiều phim, với thẻ lưu trữ chừng 1 hay 2 GB là tha hồ mà chụp cho toàn thể chuyến đi. Nếu chúng ta không nhắm đến việc phóng lớn bức ảnh và chỉ cần in ra khổ 4×6, chúng ta không cần gì phải chụp với độ phân ảnh cao (high resolution). Với tấm thẻ 1GB, ảnh cở 2MB là chúng ta có quyền chụp chừng 500 tấm hình, tương đương với 20 cuộn phim 24 tấm. Hay hơn nữa là chúng ta có thể chọn độ nhạy (ISO) hay để tự động. Còn bạn nhất định xài máy hình phim, nhớ đem phim cho nhiều, với vài độ nhạy khác nhau.

8-3 Những Điểm Mạnh / Gây Chú Ý

Thường là những điểm nằm trên các đường thẳng ngang hay dọc, ở vị trí một phần ba (1/3) hay hai phần ba (2/3) của tấm hình. Đây là điều bình thường phải không các bạn, vì ít khi nào chúng ta nhìn vào trung tâm của một vật thể hay ngoài bìa mép của nó.

Từ điểm này, chúng ta nên tránh việc bức hình bị chia cắt làm đôi do một đường thẳng bên trong.

8-4 Đường Chân Trời

Các bạn nên chú ý làm sao cho đường chân trời nằm song song với cạnh dưới của tấm hình. Để xéo thì nhìn không đẹp, mà để người xem phải nghiêng đầu qua lại tìm ra đường chân trời thì lại còn tệ hơn nữa. Ví dụ bạn ra biển chụp hình chẳng hạn, nếu bầu trời xanh và có mây đẹp thì 2/3 phần trên của bức hình bạn để bầu trời, 1/3 bên dưới sẽ là mặt nước biển, đường chân trời nằm song song với chiều ngang tấm hình. Còn nếu như chúng ta muốn nhấn mạnh vào con sao biển, vỏ sò hay vỏ ốc nào đó trên bãi biển, chúng ta có thể chọn cho chủ đề nằm ở 2/3 bên dưới, đường chân trời lúc ấy sẽ là các làn sóng ở vị trí 1/3 bên trên của tấm hình.

8-5 Có Nên Dùng Màn Ảnh Phụ Khi Chụp Không (cho máy digital)

Nếu dùng màn ảnh phụ (LCE screen) thì chúng ta sẽ ăn chắc nhìn thấy bức hình ra sao trước khi chụp, nhưng bất tiện là hao điện quá. Nhất là khi đi chơi xa, không dự trữ nhiều pin mang theo, đó là chưa kể pin loại đặc biệt đắt gấp chục lần loại pin thông thường. Do đó nếu có thể chúng ta nên ngắm và bố cục bức hình qua cửa sổ (view-finder) để tiết kiệm điện. Chụp hình qua cửa sổ còn có lợi điểm là chúng ta có điểm tựa máy hình sát vào mắt —> máy ít bị run hơn so với cần máy đưa ra xa. Có một hôm tôi đi chụp hình, và khi bậc lên máy báo cho biết là pin yếu, tôi đóng màn ảnh phụ và chụp qua cửa sổ đến được hơn 30 tấm hình trước khi hết điện hẳn.

8-6 Chụp Ngược Sáng

Ai cũng biết là khi chụp hình chủ đề ngược sáng, cần phải thêm độ sáng bằng cách mở ống kính lớn hơn, hay cho tốc độ chậm lại, hay là dùng thêm đèn, hoặc dùng một tấm bìa trắng để gần nhằm hắt thêm ánh sáng vào chủ đề. Nếu dùng đèn, thường thì chúng ta gặp thêm tình trạng bóng đổ, tức là nguốn sáng ở phía sau, hình của chúng ta lại có bóng đổ ở trước mặt. Các bạn nên để ý điểm này nghe, kẻo không lại giống như việc chụp hình chủ đề “thôn nữ” làm ruộng mà có mái tóc quăn, hay “cậu bé chăn trâu” mà đeo đồng hồ chẳng hạn. Ở các tiệm chuyên môn, tôi thấy có bán các tấm hắt sáng (reflection screen) có thể gấp gọn bỏ túi rất tiện lợi cho dân du lịch, đường kính chừng 75cm (30 inches). Nếu có mua, bạn nên chọn loại hai mặt màu trắng và màu ngà, thay vì màu bạc sáng quá.

8-7 Chụp Đen Trắng Với Máy Digital?

Đề nghị là các bạn nên chụp hình màu tốt hơn. Lý do là khi chụp hình màu, bạn có thể dùng các chương trình điện toán mà đổi từ màu qua đen trắng dễ dàng, trong khi đó muốn đổi từ trắng đen qua màu sắc nguyên thủy thì vô phương. Ngay tại các tiệm rửa hình, máy để sẵn cho bạn sử dụng cũng có phần vụ này.

8-08. Mười Phút Phù Du – Rạng Đông và Hoàng Hôn

Nhờ bạn YT nhắc nên tôi mới nhớ chuyện chụp hình lúc rạng đông và hoàng hôn. Thời gian chụp hình, theo tôi, đẹp nhất là lúc mặt trời chưa lên khỏi chân trời vào buổi sáng, hoặc đã lặn xuống khỏi chân trời lúc chiều tối, khi ấy bầu trời ửng hồng hay vàng đẹp lạ thường… và chỉ kéo dài độ vài phút. Các bạn thích những hình ảnh này, dĩ nhiên là phải dậy sớm và ở lại lâu hơn tại địa điểm muốn chụp… và như thế rủi ro nhiều hơn. Vậy khi đi chụp những cảnh sắc này, các bạn nhớ rũ nhau đi càng nhiều càng tốt nha. Quan trọng nhất là nhớ trước đó nhớ kiểm soát là mình có đầy đủ phim (hay thẻ lưu trữ) trong máy để chụp. Lúc đó mà thay phim, thẻ, hay hỏi mượn bạn bè là không được đâu, vì ai cũng chăm chú lo bấm máy.

8-09. Optical Zoom và Digital Zoom

“Digital Zoom” có nghĩa là máy hình dùng chương trình có sẵn trong máy mà đưa hình ảnh đến gần hơn. Nó cũng tương tự như các bạn dùng chương trình trong máy điện toán mà phóng hình lớn ra vậy thôi. Do đó khi mua máy hình, càng nhiều “optical zoom” thời càng tốt, vì “digital zoom” có thể làm được với máy điện toán ở nhà.

8-10. Chụp Hình Dạng Nào – JPEG, TIFF, RAW

Đây là chữ viết tắt của:

- JPEG = Joint Photographic Experts Group, đã nén tối đa các dữ kiện, hình ảnh kém, ít tốn chỗ, khó sửa chữa, nhưng sẳn sàng gởi theo điện thư, từ 1MB-5MB.

- TIFF = Tagged Image File Format, nén dữ kiện một phần, hình ảnh khá hơn, chưa sẳn sàng để gởi chung với điện thư, khoảng 6MB-7MB.

- RAW = còn nguyên dạng, tha hồ mà sử dụng các chương trình mà biến hóa hình ảnh, cũng như mầu sắc, từ 8MB trở lên.

Đề nghị là nếu chỉ chụp hình bình thường chúng ta nên để máy chụp ảnh dưới dạng JPEG, nếu cần in lớn thì hảy chọn TIFF. Khi cần phải tô điểm bức hình về sau, nên lưu trữ dưới dạng TIFF để hình không bị xuống cấp do việc ép nén dưới dạng JPEG. Còn RAW thật sự cũng chẳng cần thiết lắm!

8-11. Chụp Ảnh Ra Như Tranh Vẽ

Muốn chụp ảnh hiện ra lung linh như ảo như thực, bạn cứ việc chụp bức ảnh qua sự phản chiếu của mặt nước mưa dưới đường, qua mặt hồ nước, v.v.

8-12. Phân Loại Ảnh

Thường các giải thưởng phân loại ảnh như sau:

- tổng quát (picturesque): có quyền dùng phòng tối, các chương trình điện toán mà làm cho khá hơn,

- phong cảnh thiên nhiên (natural): thường là không có người.

- phóng sự (photojournal)

- du lịch (travel)

Ba hạng sau, bạn chụp thế nào thì để nguyên như vậy, nhưng bạn có quyền cắt xén hình ảnh (crop).

Bạn gởi ảnh dự thi mà gởi nhầm loại…đúng là tai hại bạc tỷ!

Ngoài ra, khi nhìn một bức hình, người dân Âu Mỹ thường nhìn từ góc trái qua, còn dân Á lại nhìn từ phải qua do thói quen đọc sách / viết từ nhỏ.

8-13. Khuynh Hướng Chấm Giải

Đây chỉ là nhận xét chủ quan thôi nha các bạn.

- khu vực Á Châu: thích hình ảnh chụp ra đẹp như tranh vẽ, có sự hài hoà, các đề tài khỏa thân, hay cấm kỵ trong phong tục tập quán, v.v.

- khu vực Âu Châu: các hình ảnh có tính cách trừu tượng, hư ảo, đen trắng, dùng kỹ thuật phòng tối, thể thao, v.v.

- khu vực Mỹ Châu: súc vật nuôi trong gia đình, thiên nhiên rộng lớn chứ không đóng khung, mới la. v.v.

Cho nên việc bức ảnh này đoạt giải thưởng ở Mỹ, chưa chắc đã vào được vòng loại ở các giải Âu Châu hay Á Châu. Đây cũng là chuyện thường tình, vì mọi người có một ý thích riêng “nhân tâm tùy mạng mỡ” là vậy.

8-14. Sẵn Sàng Cho Việc Thay Đổi Từ Phim Qua Digital

Nhìn quanh các gian hàng máy hình, cũng như trong lúc du hành, tôi thấy số lượng máy hình chụp bằng phim chưng bán, hay được du khách sử dụng càng lúc càng giảm. Hãng Nikon đã ngưng sản xuất máy chụp phim, Canon sắp theo chân, Minolta/Konica nhảy không kịp nên đã phải nhập vào với Sony.

Những tiện lợi của máy “digital” quá nhiều so với máy chụp phim, nên tiến trình thay đổi từ phim sang “digital” chắc chắn phải xảy ra:

- thay đổi độ nhạy (ISO), với máy digital chúng ta có thể chụp một tấm hình ở độ này, tấm kế đổi qua độ khác dễ dàng, trong khi đó phải cần nhiều máy chụp phim khác nhau cho từng độ nhạy,

- với máy digital việc sử dụng quang kế (light meter), kính lọc màu (filter lenses) có lẻ không cần nữa vì chúng ta có thể nhìn hình liền ngay sau khi chụp, kiểm soát sự phân phối độ sáng của bức hình qua biểu đồ (histogram) mà thay đổi hay sửa chữa dễ dàng.

- khi máy digital chúng ta cũng không cần phải lo chuyện dùng phim nào cho đúng độ sáng, vì khi chụp hình với dạng RAW, các bạn cứ để tự động (phần White Balance), sau đó về dùng các chương trình điện toán mà áp dụng độ sáng cho thích hợp, với máy chụp phim (ngay cả digital dạng JPEG) thì chịu chết không sửa được.

- hình chụp qua digital có thể gởi ngay đi cho bạn bè, bài viết in báo không cần qua giai đoạn rữa phim rồi in thành ảnh, chỉ in những hình đẹp, và đó là chưa kể chuyện tốn tiền lập phòng tối, đối phó với các chất hoá học độc hại.

- v.v. và v.v.

Chúng ta không muốn đổi có lẽ cũng không được, phải không các bạn?!

Bài viết đã khá dài, xin phép được dừng ở đây. Chúc các bạn chụp được những bức hình vừa ý, và nhớ đem lên đây chia sẻ cho mọi người cùng thưởng thức.


hoangvi st