Trang

my photo

my photo

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Những kỹ thuật cơ bản về chụp món ăn

Việc chụp ảnh các món ăn không quá khó nhưng cũng không dễ như bạn tưởng. Nếu các thể loại khác chỉ cần ánh sáng đẹp thì với món ăn, bạn phải làm sao kích thích được vị giác của người xem.

Đôi khi các cuốn sách hay tạp chí về ẩm thực có sức cuốn hút khó tả. Công thức cách chế biến, các dòng chữ mô tả không thể diễn tả được đầy đủ một món ăn, chính các bức ảnh mới cho người xem cảm nhận được sự hấp dẫn của món ăn. Đôi mắt của bạn bị hấp dẫn bởi hình ảnh của các món ăn trong sách.
Bài viết sẽ hướng dẫn bạn những điều cần biết cơ bản nhất khi chụp món ăn.

Ánh sáng
Như bất kỳ một thể loại ảnh nào khác, ánh sáng chính là điểm quan trọng nhất trong nhiếp ảnh. Với các món ăn, thông thường nếu điều khiển tốt ánh sáng thì món ăn vẫn trông rất hấp dẫn. Nơi tốt nhất để chụp các món ăn là bên cạnh cửa sổ có nhiều ánh sáng tự nhiên. Có thể kết hợp thêm đèn flash đánh bổ sung thêm cho các mặt thiếu sáng hay đánh trần để cân bằng ánh sáng trong và ngoài. Ánh sáng tự nhiên giúp cho món ăn trông hấp dẫn và tự nhiên hơn.

Sắp xếp
Ngoài việc sắp xếp món ăn sao cho đẹp mắt thì nhà nhiếp ảnh cũng cần phải chú ý đến các đồ vật trên bàn ăn như dao, muỗng, nĩa sao cho hợp lí. Đừng sắp quá nhiều thứ lên bàn, nhưng xem xét các lựa chọn thích hợp nhất: lọ hoa thủy tinh muỗng nĩa hay khăn ăn...

Phải thật nhanh
Các món ăn không giữ được vẻ tươi nguyên lâu. Do đó đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải có sự chuẩn bị từ trước như sắp đặt các vật dụng trên bàn ăn, thử ánh sáng, tưởng tượng các góc độ có thể chụp, thiết lập đèn… sao cho mọi thứ luôn sẵn sàng và có thể chụp ngay khi món ăn vừa được chuẩn bị xong. Tránh trường hợp các món ăn bị tan chảy như kem, các món đá, hay thay đổi màu sắc do để quá lâu, nguội lạnh...

Tạo phong cách cho món ăn
Cách đặt thức ăn vào đĩa cũng quan trọng như cách bạn chụp nó. Chú ý đến sự cân bằng trong món ăn (màu sắc, ánh sáng, cân bằng trắng hình dạng…). Áp dụng quy tắc 1/3 để dẫn dắt mắt người xem tập trung vào món ăn. Mỗi món ăn có cách sắp xếp khác nhau, do đó để biết một món ăn phải được sắp xếp như thế nào trên đĩa thì bạn có thể xem trong sách hướng dẫn nấu ăn

Tập trung vào sự hấp dẫn của món ăn
Một thủ thuật để tạo sự bắt mắt làm cho món ăn thật sự hấp dẫn là quét dầu ăn lên món ăn, lưu ý là không phải tất cả các món ăn đều cần sự bóng bẩy để hấp dẫn người xem. Lưu ý kỹ đến ánh sáng và màu sắc. Tăng cường độ tương phản để màu sắc trong ảnh thật sự nổi bật và lôi cuốn ánh mắt người xem

Chọn góc chụp thấp
Một trong những sai lầm của người mới chụp là các góc chụp trực diện từ trên xuống dù góc chụp này tỏ hợp lí trong một số trường hợp nhưng đây không phải là góc chụp tối ưu. Góc chụp thấp ngang với món ăn hay hơn cao hơn một chút, phù hợp trong hầu hết các tình huống chụp

Macro
Chọn chụp cận cảnh (macro) là cách mà các nhà nhiếp ảnh thường chọn để chụp món ăn. Chụp cận cảnh làm nổi bật phần hấp dẫn nhất của món ăn.
Khói
Làn khói mờ bốc lên từ món ăn cho người xem cảm giác món ăn vừa được nấu chín. Nhưng việc chụp khói khá khó, nhất là làm sao thể hiện lại cho người xem thấy món ăn thật hấp dẫn. Một số nhà nhiếp ảnh dùng các thủ thuật khác nhau để có được hiệu ứng khói bốc nghi ngút trong món ăn.

hoangvi st

HRD Tutorial

HDR (High Dynamic Range) - tạm dịch: Kích hoạt dải màu hoặc Mở rộng dải màu - là một phong cách chơi ảnh số nhằm thể hiện ở mức cao nhất tất cả màu sắc và chi tiết hình ảnh. Việc chụp được một bức ảnh duy nhất thể hiện đầy đủ màu sắc và chi tiết ở cả 3 vùng sáng mạnh (highlights), trung bình (midtones) và yếu (shadows) là điều hết sức khó khăn và gần như bất khả thi. HDR là giải pháp chụp nhiều bức ảnh ở các chế độ phơi sáng khác nhau rồi sử dụng các phần mềm để lồng ghép các bức ảnh đó lại thành một bức duy nhất. VinaCamera.com xin có bài hướng dẫn tạo ảnh HDR sau.

Đại nội - Huế

Công Cụ

- Máy ảnh số DSLR
- Chân máy (tripod)
- Điều khiển từ xa có dây hoặc không dây (remote shutter release - radio/cord) - Tham khảo
- Phần mềm Photomatix
- Phần mềm Photoshop

Các Bước Thực Hiện

1. Đặt máy lên chân máy và nếu cần sử dụng dây bấm hoặc điều khiển từ xa để bảo đảm triệt tiêu rung máy.

2. Chụp 5 ảnh cùng một kiểu ở chế độ nhóm ảnh chênh phơi sáng (bracketing - VinaCamera.com gọi là “gói phơi sáng”) với bước chênh là 1 giá trị EV (exposure value). Ta sẽ được 5 tấm ảnh lần lượt có giá trị phơi sáng EV0, EV+1, EV+2, EV-1, EV-2. Nếu máy ảnh của bạn chỉ có thể chụp được nhóm 3 ảnh, bạn có thể chụp ở định dạng ảnh thô (RAW), sau đó sử dụng Photoshop mở ảnh EV+1 và chỉnh phơi sáng để ảnh sáng lên thêm 1 EV (tạm gọi là EV+2) và mở ảnh EV-1 chỉnh phơi sáng để ảnh tối đi thêm 1 EV (tạm gọi là EV-2). Lưu cả 5 ảnh vào một thư mục, tạm gọi là My HDR.

3. Mở Photomatix và nhấn Generate HDR image (Tạo ảnh HDR). Sau đó tìm tới thư mục My HDR và chọn mở cả 5 ảnh. Đặt độ chênh ánh sáng (Specify EV spacing) bằng 1 hoặc điền giá trị ánh của từng ảnh (ở đây là +1, +2, 0, -1, -2) rồi nhấn OK.

4. Chỉnh tông màu tạo ảnh HDR bằng công cụ Tone Mapping trên Photomatix. Điều chỉnh các chỉ số đến khi bạn được bức ảnh mong muốn.

5. Lưu ảnh (ở định dạng JPEG chẳng hạn). Mở ảnh vừa tạo bằng Photoshop và chỉnh sửa thêm ánh sáng sử dụng các công cụ Levels, Curves và Brightness/Contrast và các công cụ khác để hiệu chỉnh tới khi có được bức ảnh HDR mong muốn.

Ghi chú: Bạn cũng có thể tạo ảnh HDR bằng một ảnh RAW duy nhất bằng cách mở ảnh RAW trên Photoshop và chỉnh phơi sáng EV+1 và EV-1 và lưu 2 ảnh này thành 2 tệp khác nhau rồi áp dụng các bước 3, 4 và 5 như trên. Tuy nhiên, ảnh HDR tạo được sẽ không ấn tượng lắm do khi chỉ chụp 1 bức duy nhất đã không ghi được đủ dải sắc màu thực tế.

Một góc trời Hà Nội tháng 6 (Ảnh VinaCamera.com)



hoangvi st VinaCamera.com

Sử dụng đèn rời với máy ảnh DSRL

Sử dụng flash rời cắm vào chân đèn trong các máy ảnh DSRL tưởng là đơn giản - lắp vào, ngắm và chụp. Ấy nhưng phần lớn trường hợp ảnh ra, chủ thể được phơi sáng tốt trong khi hậu cảnh tối mù mù.

Phần lớn người chụp ảnh chuyên nghiệp chẳng thích những tấm hình kiểu như vậy bởi chụp xong chẳng biết là mình chụp ở chỗ nào nữa vì chẳng thấy hậu cảnh đâu cả. Tuy nhiên, chỉ với chút xíu sáng tạo, bạn có thể biến cái đèn rời trở thành một phụ tùng không thể thiếu giúp cho ra đời những bức ảnh đẹp.

Các kỹ thuật mô tả dưới đây có thể sử dụng phối hợp với nhau để cho hiệu quả tốt, vì vậy bạn cứ thực tập hết để trang bị cho mình các kỹ năng chụp mong muốn.

1. Phản sáng 1

Một số cây đèn, như chiếc Canon Speedlite 580EX đã có sẵn một tấm card phản sáng ngay phía trên đèn. Bằng cách phản chiếu một phần ánh sáng vào đó, ánh sáng gắt sẽ được tản bớt và phủ thêm một phần rộng hơn. Nếu điều kiện cho phép, một phần ánh sáng có thể được đánh bật lên trần nhà (hoặc các mặt phẳng khác) rồi hắt trở lại chủ thể, giúp chiếu sáng được chuẩn hơn.

Nếu cây đèn của bạn không có sẵn tấm card trắng thì cũng chẳng có gì phải sợ. Có một cách trông hơi “kém thẩm mỹ” một chút, nhưng rất hiệu quả đó là kiếm một tấm nhựa trắng rồi buộc bằng dây thun là xong. Chiêu này thậm chí còn hay hơn card sẵn có bởi ta có thể cắt miếng nhựa thành nhiều hình to nhỏ khác nhau và do đó có các hiệu ứng ánh sáng khác nhau.

2. Phản sáng 2

Ngoài việc có thể "gật gù", nhiều đèn flash bây giờ có thể xoay vòng được luôn. Khả năng này giúp đánh đèn ở nhiều góc độ. Bằng cách hướng đèn vào một bức tường gần đó, ta có thể sử dụng ánh sáng khuyếch tán do đèn chiếu sáng mảng tường. Một số loại đèn có thể xoay ngược ra đằng sau giúp chụp chân dung ở khoảng cách gần, làm mất đi phần bóng đổ rất cứng nếu đánh đèn trực tiếp.

3. Dây nối kéo dài đèn flash

Nếu bạn còn dư chút đỉnh, hãy mua thêm dây nối dài cho đèn flash, dây này giúp cho ta đưa đèn ra xa khỏi máy ảnh chứ không phải lúc nào cũng ngồi ngay trên thân máy. Khi đó ta có thể tự do di chuyển đèn tới gần, xa chủ thể và tạo những hiệu ứng rất ấn tượng như: chỉ chiếu sáng một nửa chủ thể (tạo cảm giác dữ dội cứ như chụp trong studio), thậm chí còn hay hơn.

Một số đèn có thể kích hoạt bởi sóng vô tuyến, dĩ nhiên là phải mua thêm bộ kích hoạt này gắn vào chân đèn. Ưu thế rõ ràng là không cần phải dây dợ lòng thòng từ camera ra đèn flash nữa, đã thế lại còn có thể kích hoạt nhiều đèn cùng một lúc. Tùy điệu kiện thực tế mà một số bộ kích hoạt có thể hoạt động trong bán kính tới 10 mét.

4. Miếng nhựa Gel/miếng tản sáng

Bằng cách gắn 1 miếng gel màu lên trền đèn flash và nghịch ngợm với các thiết lập cân bằng trắng, bạn có thể tạo nhiều hiệu ứng ánh sáng lên chủ thể. Ví dụ, có thể dùng miếng gel màu cam (cho ánh sáng ấm) và chỉnh cân bằng trắng về ánh sáng ban ngày. Bạn có thể tạo hiệu ứng màu ấm lên tấm ảnh thay vì để cân bằng trắng tự động.

Miếng gel trắng mờ có tác dụng như một cái tản sáng, có tác dụng giảm bớt lượng sáng của đèn. Một số sản phẩm có bán kèm một bộ tản sáng riêng để lắp vào đèn, tác dụng rất tốt.

5. Chế độ chỉnh tay

Nếu đèn flash của bạn có chế độ manual thì hãy thử chỉnh xem sao, bạn có thể chỉnh cường độ sáng, vùng phủ sáng tập trung hay trải rộng. Dĩ nhiên bạn phải cân chỉnh các thông số của đèn với thân máy ảnh cho thật hài hòa.



hoangvi st

Chọn kính lọc cho máy ảnh

Kính lọc UV có giá khá mềm mà lại bảo vệ tốt ống kính nên có thể sử dụng trong mọi trường hợp.

Kính lọc là dụng cụ quang học bổ trợ máy ảnh, bao gồm một lớp kính có tác dụng nhất định đối với một hoặc vài thành phần ánh sáng, nhằm bảo vệ ống kính, cảm quang hay tạo ra những hiệu ứng bất ngờ cho ảnh. Ở một số máy du lịch cao cấp, kính lọc đã được tích hợp sẵn trong ống zoom và thường là loại kính giảm sáng để chụp trong điều kiện ánh sáng chói. Đối với các máy DSLR, chúng thường được gắn trên miệng ống kính và có nhiều chủng loại để chọn.

Dưới đây là bảng phân loại một số kính lọc phổ biến, dựa trên tác dụng của chúng theo trang web Cambridgeincolour.

1. Kính lọc phân cực

Kính lọc phân cực đường kính 67 mm. Ảnh: Wikipedia.
Kính lọc phân cực đường kính 67 mm. Ảnh: Wikipedia.

Kính lọc phân cực là loại quan trọng nhất, dành cho những người đam mê chụp ảnh phong cảnh. Chúng giảm bớt một lượng đáng kể ánh xạ đi đến chip cảm quang. Do đó, những ảnh chụp bầu trời thường có sắc xanh đậm hơn, giảm khả năng cháy tại những vùng như mặt nước hoặc các bề mặt phản chiếu ánh sáng mạnh. Kính lọc thậm chí còn có tác dụng hạ bớt độ tương phản giữa các vùng ánh sáng đối lập như bầu trời - mặt đất hay trong nhà - ngoài trời.

Loại kính lọc đặc biệt này có thể điều chỉnh độ phân cực bằng cách xoay vòng quay bên hông kính. Bạn có thể sử dụng ống ngắm hoặc bật chế độ LiveView để xem trước hiệu ứng phân cực.

Hai bức ảnh được chụp bởi cùng một máy ảnh, trong đó, ảnh bên phải có sử dụng thêm kính lọc phân cực. Kính lọc phân cực có tác dụng giảm độ sáng tại những chi tiết quá sáng và tăng độ bão hòa màu. Ảnh: Wikipedia.
Hai bức ảnh được chụp bởi cùng một máy ảnh, trong đó, ảnh bên phải có sử dụng thêm kính lọc phân cực. Kính lọc phân cực có tác dụng giảm độ sáng tại những chi tiết quá sáng và tăng độ bão hòa màu. Ảnh: Wikipedia.

Tác dụng của kính lọc CPL phụ thuộc nhiều vào hướng đặt máy ảnh của bạn và hướng của nguồn sáng chủ đạo trong ảnh (như mặt trời). Hiệu ứng phân cực mạnh nhất khi máy ảnh của bạn hướng vuông góc với hướng ánh sáng. Điều này có nghĩa là khi mặt trời ở trên đỉnh đầu, vùng gần đường chân trời sẽ bị phân cực nhiều nhất. Tuy nhiên, loại kính lọc này cũng làm giảm đáng kể lượng sáng mà cảm biến ảnh thu nhận, thường từ 2-3 f-stop (tương ứng với 1/8 đến 1/4 lượng ánh sáng chính của cảnh). Điều này có thể khiến bạn phải tăng thời gian phơi sáng lên một chút, do đó, trong một số trường hợp, ảnh thu được từ những chuyển động nhanh sẽ bị nhòe. Kính lọc CPL đi với những ống kính góc rộng sẽ khiến cho những thước chụp bầu trời trở nên không thật do có một số vùng trên đó bị tối rõ rệt. Do vậy, bạn nên điều chỉnh kỹ càng trước khi sử dụng loại kính lọc này.

2. Kính lọc ND

Kính lọc ND loại 28 mm. Ảnh: MTU.
Kính lọc ND loại 28 mm. Ảnh: MTU.

Kính lọc ND cũng có tác dụng giảm lượng ánh sáng mà chip cảm quang thu nhận được. Loại màu xám này hữu dụng trong trường hợp muốn tăng thời gian phơi sáng cho ảnh khi ISO đã đặt ở mức thấp nhất. Do đó, hiệu ứng gián tiếp mà loại này gây ra cũng rất đáng chú ý.

- Làm mượt dòng nước đang chảy, tạo cảm giác liền mạch.

- Giúp tăng độ mở ống kính trong ánh sáng mạnh, nhờ đó thu hẹp độ sâu trường ảnh.

- Giảm bớt nhiễu xạ ánh sáng, vốn là nguyên nhân khiến ảnh kém sắc nét khi mở khẩu.

- Làm những chuyển động trở nên mờ ảo, có tác dụng nghệ thuật theo ý muốn tác giả.

Tác dụng của kính lọc có thể thấy rõ trên hình phải: Làm mượt dòng nước chảy, tạo cảm giác liền mạch thông qua quá trình kéo dài phơi sáng của cảm biến. Ảnh: Digital-photography.
Tác dụng của kính lọc có thể thấy rõ trên hình phải: Làm mượt dòng nước chảy, tạo cảm giác liền mạch thông qua quá trình kéo dài phơi sáng của cảm biến. Ảnh: Digital-photography.

Tuy nhiên, chỉ sử dụng loại kính lọc này trong một số trường hợp đặc biệt, do chúng có tác dụng cản sáng khá hiệu quả. Vài kính lọc còn có thể thêm lượng nhỏ thành phần màu đơn sắc nào đó vào ảnh. Không nên lắp kính lọc ND vào máy khi bạn cần "đóng băng" chuyển động của vật thể, khi cần độ sâu trường ảnh lớn hoặc khi bạn đã đặt máy ở ISO thấp mà cảnh lại thiếu sáng.

3. Kính lọc GND

Kính lọc GND có tác dụng chuyển sắc xám từ nhạt đến đậm tùy theo lượng ánh sáng đi vào tại từng vùng trên mặt kính. Ảnh: Flickr.
Kính lọc GND có tác dụng chuyển sắc xám từ nhạt đến đậm tùy theo lượng ánh sáng đi vào tại từng vùng trên mặt kính. Ảnh: Flickr.

Kính lọc GND đôi khi còn được gọi là kính lọc từng phần (split filters) do tác dụng đặc biệt của chúng: chuyển sắc xám từ nhạt đến đậm tùy theo lượng ánh sáng đi vào tại từng vùng trên mặt kính. Vì vậy, những ảnh chụp tại vùng có độ tương phản mạnh như mặt đất - bầu trời thường không bị hiện tượng mất chi tiết hay quá sáng. Bạn cũng có thể đạt được hiệu ứng tương tự nếu sử dụng máy số chụp hai ảnh với thời gian phơi sáng khác nhau của cùng một cảnh rồi kết hợp chúng lại hoặc sử dụng chức năng Linear gradient trong Photoshop. Tuy nhiên, kỹ thuật này thường không thể sử dụng được nếu cảnh có những vật thể chuyển động hoặc có ánh sáng thay đổi thường xuyên. Bạn cũng có thể thao tác tăng sáng từng phần trên ảnh RAW, nhưng đồng thời cũng tăng luôn cả nhiễu ảnh và các chi tiết giả.

Chọn kính lọc cho máy ảnh
Chọn kính lọc cho máy ảnh
Ảnh trên chụp bằng ống kính không lắp kính lọc, bầu trời và mặt mẫu bị cháy. Ảnh dưới chụp qua kính lọc GND, ánh sáng mạnh của nền trời bị giảm xuống tối đa và màu sắc trở nên trung tính hơn. Ảnh: Strangeheart.

GND có nhiều loại. Điều quan trọng nhất khi chọn mua là phải xem xét hiệu ứng mà kính lọc này tạo ra từ vùng tối lên vùng sáng của ảnh. Các loại Soft Edge GND thường tạo ra một dải mờ trung gian khá dài, trong khi đối với kính Hard Edge GND, sự chuyển từ vùng tối sang vùng sáng đột ngột hơn. Hard Edge GND hữu ích khi chụp cảnh hoàng hôn có cả bầu trời và mặt đất mà không muốn mất đi chi tiết nào của cả hai đối tượng ấy. Một số kính lọc GND còn có tác dụng thêm hoặc bớt ánh sáng đi vào phần rìa ống kính, thông thường giúp giảm hiện tượng đen 4 góc ảnh.

Điều quan trọng thứ hai là sự khác biệt ánh sáng giữa 2 đầu của vùng bị giảm sáng gây bởi kính GND. Hầu hết ảnh chụp phong cảnh thường cần sự khác biệt này không quá 1 đến 3 f-stop. Các trường hợp đặc biệt như chụp một người dưới tán cây trong điều kiện ánh sáng của buổi trưa thì cần loại kính lọc tạo ra độ chênh lớn hơn 3 f-stop.

4. Kính lọc tử ngoại

Kính lọc tử ngoại. Ảnh: Tech2.
Kính lọc tử ngoại. Ảnh: Tech2.

Đúng như tên gọi, kính lọc tử ngoại có tác dụng bảo vệ những thành phần thấu kính nằm ở ngoài cùng khỏi sự tác động của tia tử ngoại, vốn là nguyên nhân làm biến dạng nhiệt thủy tinh và giảm tuổi thọ của lớp phủ bề mặt. Các kính này thường trong suốt do đó không làm ảnh hưởng nhiều đến độ sáng của ảnh. Với máy chụp phim, kính lọc UV còn có tác dụng giảm hiện tượng sương mù (mờ ảnh) và cải thiện độ tương phản bằng cách hấp thụ bớt tia tử ngoại gây hiệu ứng phụ lên mặt phủ bạc của phim.

Tuy nhiên, kính lọc UV cũng có thể làm giảm chất lượng ảnh do gây ra những mảng chóe sáng (lens flare) xấu xí, thêm vào một lượng nhỏ ánh đơn sắc hay giảm bớt độ tương phản. Một số còn được phủ thêm lớp chất liệu đặc biệt nhằm giảm hay làm thay đổi đáng kể hiện tượng chóe sáng. Giữ kính lọc sạch sẽ cũng là cách hiệu quả, dù rằng những vết xước nặng do lau rửa sẽ ảnh hưởng không tốt đến độ nét của ảnh.

Đối với những ống kính đắt tiền, tác dụng của kính lọc UV thường lớn hơn nhược điểm mà chúng đem lại. Loại này có giá khá mềm nên đôi khi còn dùng làm "lá chắn" bụi và xước cho thấu kính bên trong.

5. Kính lọc sắc ấm/sắc lạnh

Kính lọc sắc lạnh có các dụng giảm gam màu nóng trên ảnh. Các phần mềm đồ họa như Photoshop cũng có
Kính lọc sắc lạnh có các dụng giảm gam màu nóng trên ảnh. Các phần mềm đồ họa như Photoshop cũng có "filter số" dành để tạo ra hiệu ứng này. Ảnh: Photoshopdaily.

Kính lọc sắc ấm/sắc lạnh có tác dụng thay đổi cân bằng trắng của ánh sáng đi vào cảm biến ảnh. Loại này có thể sử dụng để sửa chữa hoặc thay thế những thành phần màu giả như ánh nhợt nhạt của đèn neon hay sắc ấm thái quá của đèn dây tóc. Kể từ khi công nghệ ảnh số ra đời, chúng dần trở nên kém quan trọng do quá trình cân bằng trắng tự động của máy đã đảm nhiệm vai trò đó với độ chính xác cao hơn nhiều. Thậm chí, khi máy ảnh làm việc sai, bạn cũng có thể tác động vào quá trình cân bằng trắng bằng phần mềm xử lý file RAW hay "filter số" trong Photoshop.

Màu vàng trong bức ảnh trên được tạo ra từ đèn natri cao áp. Với loại ánh sáng đơn sắc đặc biệt này, hầu như các hệ thống cân bằng trắng tự động trên máy ảnh đều không cho ra đủ màu gốc của vật thể. Một kính lọc sắc ấm hay kính lọc đèn natri chuyên dụng có thể giải quyết được vấn đề trên.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bạn cũng phải dùng đến kính lọc sắc, chẳng hạn, khi chụp với những nguồn sáng hiếm gặp hoặc chụp dưới nước. Kính lọc sẽ đảm bảo những thành phần màu đơn sắc được khôi phục như trạng thái tự nhiên trong ánh sáng trắng mà hầu như không làm tăng noise tại các kênh màu chủ đạo như công nghệ cân bằng trắng tự động thường làm.

6. Các vấn đề nảy sinh khi sử dụng kính lọc

Kính lọc thường được sử dụng khi cần tạo ra những hiệu ứng đặc biệt cho ảnh. Tuy nhiên, dù được chế tạo với chất lượng cao nhất đi chăng nữa, chúng cũng gây ra vài vấn đề. Trước hết, chúng hấp thụ một lượng nhỏ ánh sáng, làm giảm độ sáng, độ tương phản và độ sắc nét của toàn ảnh. Các kính lọc này cũng gây ra và làm tăng thêm hiện tượng chóe sáng vốn đã là yếu điểm của những ống kính phức tạp.

Kính lọc cũng tạo ra hiện tượng đen 4 góc ảnh (vignetting), đặc biệt khi bạn lắp một kính CPL lên một kính UV mà lại sử dụng ống góc rộng (độ dày của 2 kính này cộng lại đủ cản đường truyền của tia sáng tới thấu kính ngoài cùng). Nói chung, không nên lắp nhiều kính lọc lên nhau vì các vấn đề đã nhắc phía trên sẽ trở nên nghiêm trọng, chất lượng ảnh sẽ giảm sút tới mức có thể nhận ra.

7. Lưu ý khi chọn mua

Trước tiên, bạn phải xác định mục đích khi mua kính lọc. Các kính UV có giá khá mềm mà lại bảo vệ tốt ống kính nên có thể sử dụng trong mọi trường hợp. Loại lọc sắc ít dùng hơn vì bạn cần có một chiếc máy xịn với khả năng tùy chỉnh cân bằng trắng ưu việt. Kính CPL hoặc ND/GND rất hữu dụng khi chụp phong cảnh hoặc tạo ra các hiệu ứng bất ngờ cho ảnh. Lưu ý, kính lọc phân cực có hai loại là Linear Polarizing Filters và Circular Polarizing Filters. Circular được thiết kế để hệ thống đo sáng và tự động lấy nét trên máy ảnh vẫn hoạt động tốt. Linear rẻ hơn nhiều nhưng không sử dụng được với hệ đo sáng ống kính (TTL) và tự động lấy nét trên đa số máy ảnh DSLR hiện tại.

Cũng phải chú ý tới kích thước kính lọc sao cho phù hợp với ống kính đang sử dụng. Có hai loại: screw-on (có ren xoáy vào thành ống kính) và loại lắp đằng trước ống. Loại lắp đằng trước hữu dụng hơn vì có thể lắp vừa hầu như mọi loại ống kính, tuy nhiên sẽ hơi cồng kềnh, mất thẩm mỹ vì nằm "hớ hênh". Loại có ren xoáy chỉ lắp được trên những ống có đường kính nhất định. Kích thước hỗ trợ kính lọc thường được ghi trên miệng hoặc thân ống kính, dao động trong khoảng 46-82 mm đối với các máy ảnh SLR thông dụng.

Bề dày của kính lọc cũng ảnh hưởng tới lượng ánh sáng đi vào sensor. Loại siêu mỏng (Ultra-thin) và một số filter đặc biệt có thể lắp vào ống góc rộng mà không tạo ra vignetting. Tất nhiên, chúng sẽ đắt và thường không hỗ trợ lắp thêm kính khác lên phía trên.


hoang vi st


Thử quay phim bằng Nikon D90

Mặc dù có thể quay phim nhưng D90 trước hết vẫn là một máy ảnh số nên không có nhiều tính năng hỗ trợ quay video hấp dẫn như ở các handycam đang được bày bán ngoài thị trường, ngoại trừ khả năng cho hình ảnh độ nét cao.

Nikon D90 trước hết là một chiếc máy DSLR đáng mơ ước. Ảnh: Dpreview.


D90 là chiếc DSLR dòng trung cấp mới nhất của hãng Nikon. Nó có đủ những tính năng cần có của một chiếc máy ảnh tầm dưới 1.000 USD, như cảm biến 12,3 Megapixel, khả năng chụp thiếu sáng tốt như người anh kế tiếp (chiếc D300). D90 có thể chụp liên tiếp với tốc độ 4,5 hình/giây và thiết lập ISO lên tới 3.200. D90 còn có màn hình LCD sáng, lớn tới 3 inch, cảm biến rung rũ bụi, chất lượng vỏ máy và thế cầm tuyệt vời. Tuy nhiên, điểm làm cho chiếc máy này nổi bật lại không nằm ở khả năng chụp ảnh. Nó là máy ảnh số ống kính rời đầu tiên hỗ trợ quay video độ phân giải cao.

Mặc dù có thể quay phim, nhưng Nikon D90 trước hết vẫn là một máy ảnh số. Chính xác là một chiếc máy ảnh DSRL tầm trung rất hấp dẫn, chứ không phải là một chiếc máy quay phim.

Nikon chỉ trang bị cho D90 một số tính năng quay video cơ bản, nên khả năng ghi hình còn nhiều hạn chế. Trước hết là thiếu âm thanh stereo, không có khe cắm micro, không được trang bị zoom điện - khả năng mà máy quay nào cũng có (mặc dù tốc độ khác nhau). D90 cũng chẳng mang màn hình xoay đa hướng, hay cả những tính năng, thiết lập cần thiết khác cho việc quay phim.

Ưu điểm lớn nhất của chiếc máy quay DSLR này so với digicam là sử dụng được vô khối ống kinh, kể cả những cái mà không mấy ai biết tới trong công nghệ phim nhựa và phim truyền hình.


Khi quay phim, bạn không thể chỉnh được phơi sáng hay tốc độ trập.
Ảnh: Dpreview.

Những người đã sử dụng qua máy ảnh DSLR sẽ tò mò, không biết D90 khi quay phim sẽ ra sao vì với máy ảnh số ống kính rời khi chụp bạn còn chỉnh phơi sáng hay tốc độ trập được... Một điểm đáng lưu ý là khi vào chế độ ghi hình, bạn sẽ không thể nào chỉnh được tốc độ trập, khẩu độ hay cả ISO. Thực tế là chuyển qua chế độ tự động hoàn toàn và chỉ có mỗi một chức năng hoạt động là tùy chỉnh độ phơi sáng mà thôi.

Chuyển qua chế độ quay phim chẳng khác nào để máy chụp ở chế độ tự động, với chế độ ISO tự động được kích hoạt. Phần lớn các thiết lập hiện tại của máy ảnh ở chế độ chụp sẽ không còn ý nghĩa nữa. Những cái có thể chỉnh được là lấy nét, chỉnh tiêu cự và zoom bằng tay, ngoài ra, một số tùy chỉnh khác như cân bằng trắng (white balance), tăng nét (sharpening), tông sáng (tone curves)… cũng có thể cài đặt được trước khi quay.


Việc bố trí các tùy chỉnh rất hài hòa. Ảnh: Dpreview.

Việc bố trí các tùy chỉnh của D90 tương đối hài hòa. Không như những chiếc DSLR cỡ nhỏ, D90 không bỏ đi màn hình LCD ở mặt trên của máy nên rất dễ can thiệp để điều chỉnh các thông số.

Để điều chỉnh cân bằng trắng, bạn bấm giữ nút dưới phải và xoay bánh xe phía sau. Nếu chọn điều chỉnh trực tiếp độ "K" (màu nhiệt) thì dùng bánh xe phía trước để chọn. Vì những tùy chỉnh này có thể làm ngay ở chế độ Live View nên tác động của việc tùy chỉnh nhìn thấy được ngay.

Bởi D90 không có màn hình LCD linh hoạt và ống ngắm quang sẽ tối om khi đang quay phim, nên quay bằng D90 sẽ rất "ngượng nghịu". Cầm máy ảnh này mà vươn ra chụp đã là một chuyện, giữ nó liên tục để quay với tư thế như vậy chẳng khác nào tự "bỏ" thêm ít rung và giật hình vào cảnh quay luôn. Với D90 hoặc những chiếc DSLR vừa quay chụp không có màn hình linh động hoặc ống ngắm điện tử thì người dùng nên đặt lên chân máy thật vững để quay.


D90 không có màn hình LCD linh hoạt nên ống ngắm quang sẽ
tối om khi quay phim. Ảnh: Engadget.


D90 sử dụng cùng một loại pin với D300 và các máy Nikon DSLR đương thời. Nếu chỉ chụp hình thì một lần sạc cũng đủ cho hàng trăm kiểu ảnh. Nhưng khi sử dụng chế độ Live Video thì pin bị tiêu tốn một cách đáng kể, và quay phim còn tốn hơn nữa, bởi vừa phải nuôi Live View vừa phải ghi dữ liệu liên tục vào thẻ. Và nếu sử dụng ống kính chống rung thường xuyên thì pin là cả một vấn đề.

Với một lần xạc đầy, chỉ 20 phút quay phim với ống kính chống rung là đèn báo đã nháy đỏ. Vì vậy khi sử dụng D90 cần chuẩn bị sẵn vài cục pin cho chắc.

Nikon D90 không thể thay thế được máy quay do chất lượng phim không thực sự nổi trội, thiếu nhiều tính năng khi được so sánh với máy quay thực thụ. Tuy nhiên, khi xem video từ chiếc máy ảnh này, nhiều người cảm thấy thích vì hình ảnh cá tính hơn các máy ảnh chuyên và bán chuyên khác.



Nikon D90. Ảnh: Letsgodigital.

Quay phim là một phần của chế độ Live View. Không giống như nhiều máy ảnh có Live View xếp cạnh các tùy chọn khác, D90 có một nút Live View riêng. Sau khi kích hoạt chế độ này, bạn chỉ cần bấm nút OK là bắt đầu quay. Bấm cái nữa là dừng. Tuy nhiên, nếu muốn xem lại đoạn video vừa quay, phải tắt chế độ này bằng cách bấm vào nút LV một lần nữa rồi vào Review để xem như với ảnh tĩnh. Ở chế độ xem lại, bạn có thể điều khiển tạm dừng, tua tới, tua lui.

D90 có loa gắn trong và có thể điều chỉnh được âm lượng, hoặc tắt đi, nếu muốn. Mặc dù có sẵn micro và loa nhưng lại không thể ghi âm chú thích cho ảnh tĩnh, điều có thể làm được với Nikon D3.

Việc lấy nét của D90 phải nói là khá tốt, nhưng lại không thể thực hiện được ở chế độ quay phim. Khi quay phim, tính năng lấy nét đã chuyển từ phase detection (dùng chip lấy nét riêng) sang contrast detection (phát hiện tương phản trong hình ảnh thu được để lấy nét) - chế độ mà các máy quay phim và máy ảnh loại phổ thông thường dùng. Kiểu này thường chậm và kém chính xác khi thiếu sáng. Lấy nét bằng cách bấm nửa nút chụp và khi đã canh nét xong thì ô chữ nhật trên màn hình chuyển từ màu đỏ sang màu xanh. Dĩ nhiên, bạn có thể lấy nét bằng tay.

Nikon D90 bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Thạch rau câu (Jellocam) giống như các thiết bị quay có dùng cảm biến CMOS. Tuy nhiên, D90 lại bị nhuốm hiệu ứng này nhiều nhất. Khi lia máy theo chiều ngang, các vật theo chiều dọc sẽ có cảm giác bị xô lệch rồi lại trở về vị trí cũ khi máy ngừng lia. Lý do là không giống CCD, những chip CMOS không lưu lại toàn bộ khung hình cùng một lúc, mà nó lại ghi cuốn chiếu lần lượt từ trên xuống dưới (rolling shutter), bởi vậy, rất có thể một vật thể chuyển động sẽ được ghi lại tại các chỗ khác nhau trong khung hình. Một số dòng máy quay chuyên nghiệp như RED One và Sony EX-1 ít bị hiệu ứng này hơn.


D90 "săn tìm" phơi sáng giống máy quay. Ảnh: Dpreview.

Một nhược điểm nữa của D90 là “săn tìm” phơi sáng, nên khi lia máy gặp một yếu tố nhỏ ảnh hưởng tới cường độ sáng, như một người bước ngang qua cửa sổ, thì máy cũng tự điều chỉnh lại độ phơi sáng. Điều này ít nhiều làm người dùng khó chịu. Tuy nhiên, yếu tố đó cũng không khác máy quay là mấy nên những nhà quay phim chuyên nghiệp thường tắt các chức năng tự động, như lấy nét, cân bằng trắng, điều chỉnh phơi sáng… trước khi quay.

Ngoài ra, để tránh máy liên tục điều chỉnh phơi sáng, bạn nên kích hoạt nút AE-L ở chế độ khóa (f4 - AE-Lock Hold). Khi đã thiết lập nút AE lock qua bấm giữ (Hold), chỉ cần chĩa máy vào một vùng nào đó phù hợp, tốt nhất là vào một tấm bìa xám, và khóa phơi sáng lại.


Khi quay bằng D90 cần lưu ý không đoạn video HD nào được dài quá 5 phút.
Ảnh: Trustedreviews.

Khi quay phim, cũng cần hết sức lưu ý, không có đoạn video nào được lớn hơn 2 GB. Lý do, có thể định dạng FAT 32 không hỗ trợ file kích thước lớn. Ngoài ra, không đoạn phim HD nào được dài quá 5 phút. Đây không phải hạn chế kỹ thuật mà là chính sách của hãng. Tại châu Âu, những thiết bị nào có khả năng ghi được quá 5 phút phim độ phân giải cao sẽ được xếp vào loại máy quay và chịu thuế xuất cao hơn máy chụp. Bên cạnh đó, còn giới hạn một giờ cho việc sử dụng chế độ Live View (cũng như quay video), để tránh quá nóng. Khi quay tới gần thời gian này, máy ảnh sẽ báo 30 giây và đếm ngược trước khi tự động tắt. Nếu nhiệt độ bên ngoài không quá nóng, bạn có thể bắt đầu Live View hoặc quay video lại ngay. Trong trường hợp nhiệt độ bên ngoài quá nóng, thời gian máy tự động tắt sẽ sớm hơn.

Nikon D90 ghi âm mono với chất lượng không cao nên âm thanh ghi được chỉ có tác dụng làm tiếng dẫn. Do không có khe cắm micro nên muốn ghi tiếng động cho thật hay thì bạn nên sắm một thiết bị ghi âm chất lượng cao. Khi quay, kẹp máy ghi âm vào máy ảnh. Quay phim tối đa 5 phút một clip thì việc đồng bộ hình - tiếng không có gì là khó.

Sau khi quay, video được ghi ra file định dạng .AVI, chính xác hơn là video định dạng Open DML JPEG hay là Motion JPEG (ảnh động JPEG). Công nghệ này sử dụng dữ liệu nén biến thiên từ 11 mb/giây ở ISO thấp, chuyển động ít, tới 19 mb/giây ở ISO cao, chuyển động nhiều. Tốc độ này còn khá thấp với hầu hết máy quay khác.

Tốc độ ăn thẻ là 100 MB/phút, có nghĩa là cứ mỗi Gigabyte trên chiếc thẻ SDHC sẽ lưu được 10 phút video. Tính tương đối, một thẻ 8 GB sẽ lưu được khoảng một giờ phim. Định dạng Motion JPG “chơi” không khó khăn gì bằng chương trình Quicktime, việc biên tập lại cũng dễ dàng. Bạn có thể sử dụng phần mềm miễn phí MPEG Streamclip dùng cho cả Mac và Windows.


Các cổng kết nối bên sườn máy.
Ảnh: Trustedreviews.

Chất lượng video quay bằng máy ảnh này không hơn hẳn những chiếc máy quay độ phân giải 720p hiện thời. Kể ra cũng đáng ngạc nhiên vì cảm biến của D90 rất lớn nếu so sánh với các máy compact và máy quay thông thường. Điều này cũng khó lý giải bởi chiếc Canon 5D Mark II có cảm biến chỉ lớn hơn D90 một chút nhưng có thể quay phim chất lượng tốt hơn hẳn.

Vấn đề cơ bản của video từ D90 là hơi mờ. Nếu so sánh với hình ảnh nét căng do chính D90 và ống kính Nikon chất lượng cao ghi được, thì phim khi xem ra máy tính như có một làn khói nhẹ che phủ.

So sánh với các máy quay dân dụng với cùng tầm giá, như Sony SR11 hay SR12 (khác nhau về dung lượng ổ cứng), D90 nhợt nhạt hơn khi nói về chất lượng hình. Trong khi chất lượng từ SR12 có thể ngang ngửa với chiếc máy quay chuyên nghiệp Sony EX-1, thì D90 chỉ có thể so sánh với phim từ những máy chụp hình compact mà thôi.

Tuy nhiên, nếu đã coi các đoạn video từ D90 thì sẽ thấy rằng nó có những đặc tính rất riêng và dễ chịu chứ không tệ như tưởng tượng sau khi đọc các phần trên. Thực tế, khi so sánh với những đoạn phim tốc độ 30 khung/giây từ những máy bán chuyên và chuyên, một số người lại thích D90 hơn. Thực tế, đó chỉ là vấn đề về so sánh và khẩu vị mà thôi, không phải là tuyệt đối.


Nikon D90 lấy nét khá tốt, nhưng tính năng này lại không thực hiện được khi quay phim.
Ảnh: Letsgodigital.


Vậy vị trí của D90 khi là máy quay phim ở đâu trên thị trường? Trước hết, rõ ràng D90 không thể thay thế được máy quay. Nhưng khi gắn nó lên chân 3, chỉnh tay hoàn toàn, lắp vào đó một chiếc ống Nikon huyền thoại (từ ống mắt cá Fish eye cho tới ống siêu xa), thì đây sẽ là một công cụ bổ trợ cực tốt cho các nhà làm phim nghiệp dư và độc lập. Giá dưới một nghìn USD, D90 với tính năng này lại rẻ hơn rất nhiều so với Letus 35 mm lens adapter (thiết bị lắp thêm vào máy quay phim thông thường để có thể sử dụng ống kính của máy ảnh 35 mm).

Những người muốn tìm hiểu và làm quen với quay phim và khám phá thế giới quay chụp cũng tìm thấy ở D90 sự tiện dụng cần thiết, nhất là những người đã có sẵn hệ thống Nikon với các ống kính thích hợp.
HOANGVI (theo Luminuos-landscape/ Sohoa)

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

LENS FOR - GIẢI PHÁP HAY CHO NGƯỜI "KHÔNG SÀNH ĐIỆU"

1- Quan điểm về lens For:
Hiểu đúng nghĩa thì for là "dành cho". Các hãng chuyên sản xuất ống kính ở Nhật như: Sigma, Tamron, Tokina...thường có rất nhiều chủng loại ống kính được "phỏng" theo nhưng tiêu cự của các hãng danh tiếng: Canon-Nikon-Pentax-Minolta...
Ở các nước phát triển, họ dùng lens for rất nhiều, kể cả giới chuyên nghiệp, còn ở Châu Á, chỉ nhìn qua mấy nước láng giềng như: Thái lan, Singapore, Trung quốc, Hồng Kông...lens for được bày bán rất phổ biến.
Ở Việt nam thì ngược lại, thị hiếu tiêu dùng lại nhắm vào hàng chính hãng. Điều này rất nghịch lý vì chúng ta có thu nhập thấp hơn, hiểu biết cũng giới hạn hơn nên mua đồ hãng chơi cho chắc chắn chăng?
2- Chất lượng của lens for:
Để xếp hạng các hãng theo thứ tự cũng không dễ, về căn bản, mỗi hãng đều có nhưng sản phẩm danh tiếng và ưu thế hơn hãng kia.
Có thể sơ bộ đánh giá hàng của Sigma và Tamron được xếp hạng cao hơn.
Bản thân giữa Sigma và Tamron cũng có những sản phẩm hơn hay kém nhau. Ví dụ:
Ở khoảng 70-300mm Sigma hơn hẳn nhưng ở góc rộng 18-50mm so với 17-50mm thì Tamron lại tốt hơn.
Lens Tamron hay có cấu trúc bền vững nhưng kiểu dáng lại không đẹp như Sigma, hơn nữa, các lens Sigma hầu hết đủ túi đựng còn Tamron thì không.
Về canh nét: Các lens Sigma nhất là các lens HSM có tốc độ canh nét khá nhanh, không kém USM của Canon hay AFs của Nikon.
3- Kinh nghiệm mua và chọn lens:
Xin đưa các dẫn chứng chi tiết để mọi người tham khảo thêm:
Ví dụ:
+ Giải pháp lens tele của Nikon rất khó chọn, với >800$ nếu chơi hàng Nikon ta có chiếc AF80-200mm/2.8ED canh nét chậm hơn nhiều so với Sigma 70-200mm/2.8 HSM macro(thêm macro, nếu kết hợp dùng 1 kính closeup D500 ta lại có giải pháp macro 1:1 rất hay). Do đó với các Niikonfan thì đây là giải pháp TUYỆT HAY.
+ Với Nikon thì giải pháp lens 18-70mm/3.5-4.5ED DX với giá thành dưới 300$ là khá tốt cho nhu cầu dùng bình thường. Ở khoảng này các lens for hầu như không có cơ hội cạnh tranh.
Cũng trong khoảng này thì những lens Sigma, Tamron lại có ưu thế và là giải pháp hơn hẳn các lens của Canon. Một chiếc Sigma 17-70mm/2.8-4HSM hay Tamron 17-50mm/2.8 đều hay hơn chiếc EFs17-85mm/4-5.6IS USM.
+ Với canon thì lens Sigma 70-200mm/2.8HSM macro tỏ ra không trội hơn nhiều so với EF70-200mm/2.8L. Nhưng ít ra, giải pháp 1 chiếc Sigma 80-200mm HSM (non macro) với giá <600$>1000$. Rõ ràng, chiếc này tỏ ra hữu hiệu hơn so với EF70-200mm/4L.

Một số kinh nghiệm khi mua lens:
+ Những lens đã bị tháo mở lau chùi hay sửa chữa nếu mua chỉ mua giá thật rẻ nhưng cần test kĩ nếu không Halo. Nhất là những lens có Mô tơ khi tháo mở rất dễ làm hư mạch do cấu tạo phức tạp. Một số lens cấu tạo đơn giản như Nikon D (không có mô tơ ở lens) thì ta có thể an tâm hơn khi mua lens đã mở.
+ Cần soi kĩ, nếu lens có lớp sương hay các hạt (như hạt cát) ở lớp kính ép vì khi hư lớp kính này rất khó xử lí, nếu được thì chất lượng cũng giảm rất nhiều.
+ Những lens có mô tơ, nhất là các lens cao cấp có chống rung, có mô tơ siêu âm USM, AFs...cần có bảo hành vì rủi ro ở những lens này không nhiều nhưng giá trị thay thế rất cao, đôi khi bằng >30% giá trị lens.
+ Cần mua đúng nhu cầu vì nhu cầu chụp mỗi người khác nhau: người cần AF nhanh(chụp chuyển động-thể thao), người cần khẩu độ mở lớn(chụp sân khấu), người cần macro(chụp hoa lá...), người cần dải tiêu cự dài (tiện lợi), người cần chống rung(chụp nơi thiếu sáng và tay bị run)...Do đó, khi mua cần được tư vấn bởi người có hiểu biết hay anh em đã có nhiều kinh nghiệm.
+ Kính bảo vệ cũng rất quan trọng, tương quan về kính và ống kính có thể tính theo giá trị lens, kính bảo vệ thường chiếm 3-10% giá trị lens. Ở Việt nam, anh em chưa ý thức cao về việc sử dụng kính bảo vệ và các kính hiệu ứng. Nhiều khi lens rất tốt nhưng lại dùng những kính bảo vệ rất tồi.

Một số lưu ý khi sử dụng:
Nhẹ nhàng, tránh dằn sóc khi di chuyển, có túi đựng riêng không gây va chạm với các ống kính khác.
Chống ẩm tốt và tránh nơi nhiệt độ cao dễ làm mốc ống kính và bay màu lens.
Thường xuyên có kính bảo vệ (loại tốt) và lau chùi bụi bám trên lens sau những lần đi chụp ngoài trời.
Thu zoom và tháo hood khi cất lens, khi không sử dụng.
Không dùng hoá chất lau chùi trực tiếp trên bề mặt kính. Chỉ lau giấy mềm, khăn sạch.
Kiểm tra định kì pháp hiện kịp thời dấu hiệu nấm mốc hay sương kính.
Trong điều kiện sử dụng ở xứ nhiệt đới như nước ta trên bề mặt UV (trong và ngoài) có lớp ẩm + bụi bám tạo ra lớp màng mờ gây khúc xạ và tạo một lớp mù trên ảnh chụp do vậy cần được kiểm tra định kỳ và lau chùi kịp thời.

Những lens for được đánh giá cao, xứng với đầu tư và rất phổ biến như:
Sigma:
20mm/1.8
30mm/1.4
50mm/2.5macro
150mm/2.8macro
12-24mm/4.5-5.6HSM
17-70mm/2.8-4 version 1 và 2 ( có HSM)
18-50mm/2.8
24-70mm/2.8
70-300mm/4-5.6 APO DG super
70-200mm/2.8 HSM version1 và 2(có macro)...
Tamron:
17-50mm/2.8
70-300mm/4-5.6DiII
90mm/2.8 macroDi...

hoangvi st

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Chọn ống kính Nikon theo mục đích

Không như các hãng khác, Nikon vốn nổi tiếng nhờ vào tính tương thích khá cao giữa thân máy và ống kính. Như thế, ống kính và thân máy dù cách nhau hàng thập kỷ vẫn có thể lắp vừa và hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, theo thời gian xu hướng này cũng dần thay đổi. Sự thay đổi được thể hiện trong ký hiệu của ống kính mà qua đó người dùng phần nào có thể xác định được ống mình mua thuộc loại nào.

Nikon vốn nổi tiếng về sự tương thích khá cao giữa thân máy và ống kính. Ảnh: Cringel.
Nikon vốn nổi tiếng về sự tương thích khá cao giữa thân máy và ống kính. Ảnh: Cringel.

Về cơ bản, ống kính Nikon có một số ký hiệu cần lưu ý như sau.

Các ống AF là ống được sản xuất thời máy phim, do đó mô-tơ lấy nét không nằm trên ống kính mà trên thân máy, nên các ống này khi lắp trên những thân máy DSLR mới sẽ phải lấy nét bằng tay.

Các ống AF-S đã được tích hợp mô-tơ lấy nét trên thân máy, vì thế hỗ trợ tự động lấy nét trên tất cả các thân dSLR sau này.

Ống có ký hiệu DX là ống được làm chuyên cho các thân máy DSLR cảm biến nhỏ (Nikon gọi là cảm biến DX với crop factor là 1,5x)

Ống có ký hiệu G là ống đã được bỏ đi vòng điều chỉnh độ mở, vì thế dù lắp được nhưng người dùng không điều chỉnh được độ mở trên những thân máy chỉnh tay (như FM2 chẳng hạn). Khi đó máy sẽ chụp ở độ mở nhỏ nhất.

Ống có ký hiệu ED là ống được trang bị thấu kính cao cấp chống tán xạ (Extra-low Dispersion).

Ống có ký hiệu Micro là ống chuyên chụp Macro.

Ống có ký hiệu VR là co cơ chế chống rung (Vibration Reduction)

Ống có ký hiệu IF (Internal Focus) là ống có cơ chế điều chỉnh thấu kính lấy nét hoàn toàn ở trong lòng ống kính, không "thò thụt".

Chụp chân dung

Ống kính
Ống kính Nikkor AF-S 50mm f/1.4G. Ảnh: Nikon USA.

Đặc trưng của kiểu chụp chân dung truyền thống là nổi bật đối tượng và hậu cảnh mờ, vì thế, những ống kính chân dung phù hợp nhất thường có độ mở lớn, ít nhất f/2,8 trở lên. Độ mở lớn bên cạnh việc làm mờ hậu cảnh, tôn tiền cảnh còn cho phép chụp trong điều kiện ánh sáng yếu mà không cần dùng đến đèn flash vốn khá kỵ trong chân dung do dễ làm ảnh bị "bẹt".

Để làm tôn lên vẻ đẹp trong ảnh chân dung, thông thường, ống kính phải có góc nhìn hơi phóng đại tỷ lệ lên một chút. Vì thế các tiêu cự từ khoảng 70 mm tới 135 mm là hợp lý cho thể loại này. Các ống tiêu cự ngắn dù cũng có thể chụp chân dung nhưng thường phù hợp với kiểu chân dung tập thể thay vì chân dung đơn. Sử dụng các ống zoom có cả góc rộng và tele cũng là một giải pháp khá tiết kiệm để phù hợp với từng loại hình nhân vật.

Lưu ý, tiêu cự phù hợp ở trên áp dụng cho các máy cảm biến FX full-frame (như D700, D3 hay D3x). Đối với các máy cảm biến DX (tương tự như cỡ APS-C) như D3000, D5000, D90 hoặc D300s… phải nhân hình lên 1,5 để suy ra tiêu cự hợp lý.

Một số ống tối ưu cho nhu cầu này bao gồm:

1. Nikkor AF-S 50mm f/1.4G: Tiêu cự 50 dù hơi ngắn so với FX nhưng lại khá lý tưởng cho các thân DX. Phiên bản độ mở f/1,4 này là ống 50 duy nhất hỗ trợ tự động lấy nét trên các thân dSLR.

2. Nikkor AF 50mm f/1.8D: Cũng phù hợp chụp chân dung với thân DX hơn là FX, đây là lựa chọn hợp túi tiền hơn so với phiên bản cao cấp f/1,4 ở trên. Tuy nhiên ống này chỉ hỗ trợ lấy nét trên những thân máy có sẵn mô-tơ lấy nét, còn với các thân như D40(x), D60 và D3000, phải lấy nét bằng tay.

3. Nikkor AF 85mm f/1.8D: Là tiêu cự chân dung kinh điển cho cả thân FX và DX với độ mở f/1,8 đủ để xóa phông hiệu quả. Nhưng cũng như phiên bản 50mm f/1,8D ở trên, ống này chỉ hỗ trợ tự động lấy nét với những thân tích hợp sẵn mô-tơ lấy nét, còn không người dùng phải lấy nét tay.

4. Nikkor AF-S DX 17-55mm f/2.8G IF-ED: Ống zoom chụp chân dung hay đám cưới phù hợp với thân DX (tiêu cự tương đương 26 – 83mm) với độ mở f/2,8 vẫn đủ để xóa phông dù độ mở không quá lớn. Đáng tiếc là ống này không hỗ trợ chống rung.

5. Nikkor AF-S 24-70mm f/2.8G ED: Ống tiêu cự kinh điển chụp chân dung và đám cưới, thích hợp cả thân FX và DX, do góc rộng không phải là ưu tiên với kiểu chụp chân dung. Tuy nhiên ống này cũng không có chống rung.

Chụp thể thao, hoang dã

Nikkor AF-S DX VR 55-200mm f/4-5.6G IF-ED. Ảnh: Pricerunner.

Đặc trưng của thể loại nhiếp ảnh này là phải có bức ảnh đẹp từ những khoảng cách xa, vì thế các ống kính dùng cho thể loại này phải là tele zoom tối thiểu từ 70mm trở lên, độ mở lớn f/2,8 để đảm bảo tốc độ chụp đủ bắt dính những pha hành động. Ngoài ra, ống kính này còn phải được hỗ trợ bởi cơ chế ổn định hình ảnh (VR) và cơ chế lấy nét siêu êm (SWM) để đảm bảo không ồn, nhất là khi chụp động vật.

Một số ống tối ưu cho nhu cầu này bao gồm:

1. Nikkor AF-S DX VR 55-200mm f/4-5.6G IF-ED: Ống telephoto giá thành hợp lý cho những người mới bước chân vào chụp ảnh và kết hợp hoàn hảo thành một dải đầy đủ với ống kit 18 – 55mm. Tuy nhiên ống này chỉ lắp được trên thân DX.

2. Nikkor AF-S VR 70-300mm f/4.5-5.6G IF-ED: Cũng là một ống chống rung hai độ mở hợp lý cho những người mới chơi, ống này có tiêu cự dài hơn, đồng thời hỗ trợ cả thân DX và FX với chất lượng thấu kính khá tốt. Nhưng kèm theo đó là giá thành cũng cao hơn.

3. Nikkor AF-S 70-200mm f/2.8G ED VR II: Ống đẳng cấp cao một độ mở của Nikon với cơ chế chống rung, chất lượng thấu kính và tương thích với tất cả các thân dSLR. Tuy nhiên do độ mở lớn nên ống khá to và nặng.

4. Nikkor AF VR 80-400mm f/4.5-5.6D ED: Dải tiêu cự dài hơn cho những người có nhu cầu chụp động vật hoang dã, lên tới 600 mét nếu lắp vào thân DX. Tuy nhiên là ống AF nên chỉ hỗ trợ lấy nét trên những thân có sẵn mô-tơ lấy nét, còn khi láp vào các phiên bản như D40(x), D60 và D3000 ống này phải lấy nét bằng tay.

Chụp macro

Nikkor AF-S Micro 60mm f/2.8G ED. Ảnh: Ecoustis.

Mặc dù các ống kính đều có thể chụp cận cảnh tốt nhưng ống macro thực thụ sẽ cho chất lượng ảnh tốt hơn hẳn do được thiết kế chuyên chụp các đối tượng kiểu này (côn trùng, hoa…). Các ống macro thực thụ thường có tiêu cự loanh quanh khoảng 100 mm, vì thế cũng có thể được dùng như một ống chụp chân dung. Cơ chế chống rung VR nếu có cũng sẽ rất hữu hiệu cho những đối tượng chụp kiểu này.

Một số ống tối ưu cho nhu cầu này bao gồm:

1. Nikkor AF-S Micro 60mm f/2.8G ED: Ống chụp macro chất lượng tốt với tỷ lệ phóng đại 1:1, độ mở f/2,8 hợp lý, lắp được trên cả thân DX và FX. Chỉ đáng tiếc là không hỗ trợ cơ chế chống rung.

2. Nikkor AF-S DX Micro 85mm f/3.5G ED VR: Chỉ lắp được trên các thân DX với tiêu cự tương đương 128mm, ống này cũng cso tỷ lệ phóng đại 1:1, đồng thời có thêm cả cơ chế chống rung VR. Tuy nhiên độ mở khá hẹp, chỉ f/3,5 so với độ mở trung bình hợp lý f/2,8

3. Nikkor AF-S VR Micro 105mm f/2.8G IF-ED: Cao cấp nhất trong dòng ống chụp macro tương thích cả DX, FX đồng thời có chống rung và độ mở f/2,8. Có tỷ lệ phóng đại 1:1, đây là lựa chọn lý tưởng cho những người yêu thích macro.

Chụp góc rộng

Nikkor AF-S DX 10-24mm f/3.5-4.5G ED. Ảnh: Nikon USA.

Ống góc rộng giúp bạn chụp tốt các ảnh phong cảnh, các tòa kiến trúc mà không phải lùi lại đứng quá xa, hoặc chụp chân dung nhóm cũng rất hiệu quả. Hầu hết các ống kit đều có tiêu cự góc rộng, nhưng đó mới chỉ là những tiêu cự giúp người dùng làm quen với thế giới góc rộng thật sự.

Một số loại tối ưu cho nhu cầu này:

1. Nikkor AF-S DX 10-24mm f/3.5-4.5G ED: Chuyên cho thân DX, ống góc rộng hai độ mở này tương đương tiêu cự 15 – 36mm, vẫn rất lý tưởng cho chụp phong cảnh, nội thất hay kiến trúc.

2. Nikkor AF-S 14-24mm f/2.8G ED: Nếu muốn lắp cả trên thân FX, ống này là lựa chọn tối ưu, nhất là độ mở cố định f/2,8. Dù dải tiêu cự khá ngắn (khoảng 2x) nhưng đây vẫn là một trong những ống zoom góc rộng tốt nhất của Nikon.

3. Nikkor AF DX Fisheye 10.5mm f/2.8G ED: Ống mắt cá chuyên cho thân DX với góc nhìn lên tới 180 độ. Tuy nhiên, tương tự như các ống dòng AF, ống này chỉ hỗ trợ lấy nét trên các thân tích hợp sẵn mô-tơ lấy nét.

Ống đa mục đích

Nikkor AF-S DX 18-200mm f/3.5-5.6G ED VR II. Ảnh: Electronics.

Bên cạnh các ống kit, ống kính đa mục đích sẽ có dải zoom bao trùm từ rộng tới tele để giúp người chụp không cần phải tháo ống trong suốt quá trình chụp. Nên chọn những ống chất lượng tốt, bởi đây sẽ là loại được mang đi nhiều nhất.

Một số lựa chọn tối ưu cho nhu cầu này:

1. Nikkor AF-S DX 18-200mm f/3.5-5.6G ED VR II: Ống siêu zoom phiên bản II với chất lượng thấu kính và cơ chế chống rung được cải thiện hơn. Với dải zoom tương đương 27 – 300mm, ống này đảm bảo bao trùm đủ mọi nhu cầu từ góc rộng tới tele. Tuy nhiên ống này chỉ lắp được trên thân DX.

2. Nikkor AF-S DX 16-85mm f/3.5-5.6G ED VR: Cũng một ống chuyên cho thân DX khác với dải tiêu cự khá phổ thông (24 – 128mm), giá thành rẻ và chất lượng chấp nhận được.

3. Nikkor AF-S DX 17-55mm f/2.8G IF-ED: Lại một ống chuyên cho thân DX với dải tiêu cự cũng hợp lý cho chụp thường nhật hay chân dung. Điểm cộng cho ống kính này là độ mở cố định f/2,8, dù rằng ống không hỗ trợ chống rung.

4. Nikkor AF-S 24-70mm f/2.8G ED: Nếu muốn nâng cấp thì đây là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Thuộc hàng cao cấp nên dù không có chống rung, ống này vẫn là một ống hoàn hảo không chỉ cho chụp hàng ngày mà còn cả chân dung hay phong cảnh, nhất là khi lắp trên thân FX.

5. Nikkor AF-S DX 35mm f/1.8G: Ống prime chuyên cho thân DX với tiêu cự tương đương 53mm, có thể gọi là ống tiêu chuẩn bởi độ phóng đại tương đương như mắt người. Độ mở f/1,8 đủ rộng để chụp trong mọi điều kiện mà không cần dùng đèn.


hoangvi st

Làm mịn da hiệu quả và đơn giản, 100% bằng PS

Có rất nhiều cách để làm mịn da, mình có cách này rất hiệu quả và dể làm, đặc biệt là hoàn toàn 100% bằng PS. Photoshop phiên bản nào cũng được, từ 5.0 đến CS3 đều được.

các VD minh họa :

1.



2


3


Bác nào chưa biết thì thử nhé!

1/Đầu tiên bạn Ctr+J để có lớp copy (layer 1).
Sau đó vào Filter/Blur/Gaussion blur : (thông số mình chọn cho ảnh này là 12) Nếu ảnh có size lớn hơn thì các bạn dùng thông số lớn hơn.

2/Nhấn phím V rồi phím số 6 để layer 1 có opacity là 60%
Tạo layer mask (mặt nạ lớp) rồi nhấn Ctr+i để có mask màu đen.

3/Nhấn phím B rồi phím D sau đó nhấn phím số 5 để chọn công cụ Brush màu trắng với opacity là 50%

4/Đến đây bạn muốn da mịn chổ nào thì quét cọ Brush vào chổ đó. Muốn mịn nhìu thì quét nhìu lần, còn muốn mịn ít thì ngược lại.
Lưu ý : nếu lở tay quét vào những vùng kg muốn làm mịn (như râu chẳng hạn), để khắc phục bạn chỉ cần nhấn phím X để cọ Brush có màu đen rồi quét vào chổ đã bị làm mịn đó, ảnh sẽ nét trở lại.
Tóm lại chổ nào muốn mịn quét cọ màu Trắng. Chổ nào muốn nét quét cọ màu Đen.

Rất đơn giản phải không? Chúc các bạn thành công!

Cách thực hiện tạo mask minh họa bổ sung cho các bác newbie dễ hiểu:

Để có Brush trắng hay brush đen bác lưu ý như sau :
+ Nhấn phím B để chọn công cụ Brush tool
+ Nhấn phím D để hộp màu (color box) trở về màu mặc định (trắng và đen)

- Nếu bác làm việc với layer (kg phải làm việc với mask) thì khi nhấn phím D foreground color sẽ có màu đen, tức là bác đang dùng Brush đen.
- Nếu bác làm việc với mask (kg phải làm việc với layer) thì khi nhấn phím D foreground color sẽ có màu trắng, tức là bác đang dùng Brush trắng.
Nói cách khác thì màu của foreground color chính là màu của cọ Brush.

Để chuyển đổi nhanh 2 màu foreground và background (tức muốn chuyển từ brush đen sang Brush trắng và ngược lại) bác nhấn phím X.


Làm xong bước 4 bác Save lại là hoàn thành ... Còn gì thắc mắc bác cứ hỏi, em sẽ giúp bác đừng ngại nhe! Chúc bác thành công!
Ý kiến bổ sung từ siza:
Thanks bác Duy My về bài hướng dẫn . Tiện đây em cũng mạo muội góp 1 ý nhỏ (với các bác đã dùng qua PS thì rất dễ,nhưng với các bác mới dùng PS thì có thể chưa biết, vì thế em viết hơi dài dòng tí). Khi làm mịn mặt, các bác chú ý là rất dễ quá tay, dẫn đến mặt quá mịn , trông ko còn như da thật nữa . Cái thông số nhạy cảm dẫn đến điều này (nếu làm mịn da theo cách bác DuyMy hướng dẫn) chính là opacity và thông số Gaussion blur. Vì thế khi đặt thông số Gaussion blur thì các bác nhớ đặt nhỏ lại chút , chỉ nên để mờ chút ít thôi . Cái quan trọng hơn là opacity, vì nó quyết định độ trong suốt của layer 1 (là layer bị làm nhòe). Vì thế khi tăng % opacity của layer1 lên thì da càng mịn và giảm thì ngược lại (tất nhiên là sau khi đã thao tác làm mờ layer1). Để tăng giảm thì các bác click chuột vào ô bên cạnh opacity (góc phải, phía trên bảng layer xem hình trên) - ấn F7 để tắt mở bảng này) hoặc chỉ cần di chuột đến gần chữ opacity sẽ thấy hiện lên mũi tên 2 chiều-di sang trái là giảm, sang phải là tăng. Các bác chỉnh được thông số này vừa phải sẽ cho ra được những bức ảnh da đẹp mịn màng tự nhiên. Em xin hết, có gì chưa chuẩn các bác thông cảm.

Bài viết của Duy-My @ vnphoto.net tháng 1 năm 2009.

hoangvi st