Trang

my photo

my photo

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

TỔNG HỢP CÁCH TÍNH CƯỜNG ĐỘ ĐÈN FLASH


1/ Công thức tính độ sáng đèn.

A. ĐƠN VỊ VÀ CÔNG THỨC TÍNH ÁNH SÁNG.

Đơn vị công xuất của flash là GN. 1GN tương đương với việc chiếu sáng một vật ở cách 1 mét và dùng ống kính có khẩu mở f=1.

Công thức tính: khẩu độ ống kính = cường độ phát sáng / khoảng cách từ đèn đế vật chiếu sáng.

Nếu đèn 16GN, ta có thể chiếu sáng một vật ở xa 16m với độ mở ống kính là 1.

Nếu dùng đèn 16GN và đứng cách xa vật chiếu sáng 2 mét, chúng ta mở khẩu 8

Vì vậy, để làm chủ được đèn, ta cần biết công suất phát sáng maximum của đèn.

B. CÁCH ĐO CƯỜNG ĐỘ MAXIMUM (nếu không có tài liệu hướng dẫn.)

-Đặt một vật mẫu chuẩn cách xa máy đúng 3m.
-Dùng một đèn tốt có TTL và chụp một tấm tự động chuẩn (tấm này coi như đúng sáng)
- Đổi đèn cần đo và bật công xuất maximum. Chỉnh khẩu độ để chụp được tấm hình giống như tấm đủ sáng lúc trước. Ghi nhận lại khẩu độ cho ra ánh sáng đúng.
- Tính cường độ maximum= khẩu độ x 3 (m)

Như vậy, ta có được cường độ của đèn để có thể tính toán chính xác khi chụp manual.

Chúc các bạn đo thành công công suất đèn của máy mình.

2/ Cách điều khiển đèn cóc.

Bài viết này mình viết dựa trên máy Nikon D90. Mình nghĩ các máy khác cũng tương tựa nhưng menu điều khiển sẽ khác đi ti tí, các bạn cố gắng tự tìm hiểu trên máy mình và có thể viết vào đây cho mọi người cùng biết.

A. CÁC CHẾ ĐỘ ĐIỀU KHIỂN ĐÈN CÓC VÀ CÁCH ĐIỀU KHIỂN.

1. TTL: Là chế độ đánh đèn tự động, rõ mặt ăn tiền. TTL tiện lợi cho việc chụp nhanh, cung cấp ánh sáng đủ cho chủ thể.
Các điểm cần lưu ý với TTL của đèn cóc: Đèn cóc thường yếu nên độ xa bị hạn chế. Nếu D90 có đèn cóc khá mạnh (khoảng 18GN nếu tôi không nhầm) thì với ống mở khẩu f=4 cũng chỉ chụp xa tối đa 4,5m (với iso 100). 
Với việc tạo ra một tác phẩm có ánh sáng yếu hơn hoặc sáng hơn bình thường thì TTL hầu như ko thể hiểu được ý đồ của người cầm máy.

2. M -Manual: chế độ điều khiển cường độ ánh sáng thủ công. Với D90, máy cho phép điều khiển từ full và giảm dần xuống đến 1/128.
Full tương đương 100% công suất.
1/1.3 tương đương 77% công suất
1/1.7 tương đương 59% công suất
1/2 tương đương 50% công suất
1/2.5 tương đương 40% công suất
1/3.2 tương đương 31% công suất
1/4 tương đương 25% công suất
...
1/128 tương đương 0,78% công suất. 

Ngoài công suất chỉnh trong menu, chúng ta còn có thể chỉnh thêm cho đèn từ +1 đến -3 ở ngoài màn hình phụ. Tôi cũng không rõ cách tính toán của việc cộng trừ này như thế nào, chỉ biết là có thể tăng giảm ti tí so với công suất đã định trong menu chính. Điều này giúp chúng điều khiển đèn chính xác từng tí một khi cần.

3.-Repeating flash: Chế độ này mình chưa dùng thử nên chưa biết.

4.-Commander mode: Ở chế độ này, hệ thống đèn cóc có thể vừa đánh, vừa điều khiển thêm 2 group đèn khác. Như vậy, sẽ có tổng cộng 3 nhóm với cường độ khác nhau được nổ cùng lúc dưới sự điều khiển của đèn cóc. Đây là điểm mạnh của Nikon và nghe đồn đến bây giờ 7D mới ra cũng có tính năng này.
Tôi sẽ không nói đến chế độ này vì đây không phù hợp với đèn rẻ tiền. Muốn dùng chế độ này, chúng ta cần có ít nhất một cây đèn Nikon. Nếu có thời gian, tôi sẽ viết riêng về phần này vì nó thật là tuyệt vời cho việc dùng đèn với Nikon.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG ĐÈN CÓC CHẾ ĐỘ M

1. Bù sáng khi chụp ngoài nắng.
Khi nắng chiếu xiên vào mặt, ta sẽ thấy một phần đủ sáng và phần còn lại sẽ bị tối đen. Nếu muốn phần tối đen sáng lên một tí để không bị đen, ta có thể đệm đèn vào để nâng sáng vùng tối lên.

Theo kinh nghiệm của tôi, cần bù khoảng 20-33% ánh so với điểm sáng nhất thì chúng ta sẽ có một tấm hình vừa thấy khuôn mặt, vừa thấy bóng nắng.

Để tính toán được 20% ánh sáng bù vào điểm tối, ta làm các bước sau
- Khẩu độ chụp: Đo sáng tại điểm sáng nhất và ghi nhận khẩu độ. Với ví dụ này, giả sử khẩu độ là f=11. 

- Ghi nhận khoảng cách. Lấy nét tại điểm cần chụp, sau đó ghi lại khoảng cách. ở ví dụ này, tôi cho khoảng cách là 3m.

Vậy, nếu đánh 100% ánh sáng với công suất full, chúng ta cần một cây đèn có cường độ là 3m x 11 = 33GN

Nếu cần 20% ánh sáng, chúng ta cần đèn có công suất là
33GN x 20% = 6,6GN

Vậy, nếu đèn cóc có công suất 18GN, chúng ta sẽ đánh đèn với công suất là
Công suất = 18GN / 6,6GN = 37% công suất đèn.

Như vậy, chúng ta sẽ để đèn ở 1/2,5 và -0,3

CÁCH CHIA CÔNG XUẤT (GN)
Full tương đương 100% GN.
1/2 tương đương 71% GN
1/4 tương đương 50% GN
1/16 tương đương 25% GN
1/64 tương đương 12.5% GN
1/128 tương đương 8,84% GN.

                                                                                    HOANGVIVN ST  (VNPHOTO)

Chia sẽ cách thiết lập đánh đèn flash rời không dây của Nikon

Hệ thống Nikon Creative Lighting System ( Nikon CLS ) đưa ra một lựa chọn toàn diện trong cách mạng về công cụ sáng tạo ánh sáng cho mọi nhu cầu cần thiết về kỹ thuật nhiếp ảnh. Hệ thống này là một trong những thông minh và đa năng nhất thế giới đối với các flash unit hiện nay, bao gồm flash của Nikon như SB-900, SB-800, SB-600, SB-R200 và các thiết bị hỗ trợ ảnh close-up cải tiến. Và kết quả cuối cùng là đẳng cấp chưa từng xuất hiện là sự chính xác, tự động, tích hợp điều khiển mà chỉ duy nhất Nikon mới có thể làm được.



Flash không dây tiên tiến tận dụng khả năng của hệ thống Nikon Creative Lighting System ( Nikon CLS )

Các lệnh không dây ( Wireless Commander ) của các đèn nikon SB-900, SB-800 hoặc SU-800 có thể điều khiển các loại đèn SB-900, SB-800, SB-600 và SB-R200 khác. Để làm vậy, SB-900 hay SB-800 phải kết nối vào bất cứ hệ thống i-TTL tương thích với loại hotshoe cho phép các speedlights ( hoặc bộ điều khiển không dây SU-800 ) hoạt động như một đèn chủ "Master Speedlight Unit". Các bước thiết lập như sau:


Thiết lập SB-600 như một đèn đơn vị rời "Wireless Remote Unit".



1. Nhấn và giữ đồng thời 2 phím "ZOOM" và "-" trong khoảng 2 giây
2. Nhấn "ZOOM" hoặc "MODE" để chọn On hay Off
3. Nhấn và giử nút ON/OFF trong khoảng 1 giây, flash sẽ hiển thị wireless remote ( Mặc định luôn là CH 3, Group A)
4. Nhấn nút "MODE" lần nữa và chọn một nhóm ( A, B, C ). Giá trị bù trừ trên Master sẽ quyết định giá trị bù trừ xuất ra cho Remote

Lưu ý: Phải chắc rằng việc chọn kênh và nhóm đèn phải giống nhau giữa các master và remote unit cũng như trên commander trên máy ảnh

Để thoát ra khỏi chế wireless quay trở về chế độ TTL bình thường

1. Để reset cho đèn SB800 và SB600 nhấn đồng thời 2 phím ON/OFF và MODE trong 2 giây
2. Để reset cho đèn SB900 chỉ cần tắc và mở đèn lên lại !!!

Khả năng đánh đèn không dây riêng biệt của Nikon sử dụng i-TTL trên đèn cóc " Built-in Flash"
với các máy ảnh DLSR D700, D300/D300s, D200, D90/D80



Kiểu lệnh cho đánh đèn không dây trên máy ảnh có thể chọn trong "Custom Settings"
  • D700 – Custom Setting: e3
  • D300 – Custom Setting: e3
  • D200 – Custom Setting: e3
  • D90 – Custom Setting: e2
  • D80 – Custom Setting: 22



Vào bên trong " Commander mode", vào tiếp "Built-in Flash". Toàn bộ các Group A và B được kích hoạt và TTL được thiết lập cùng giá trị bù trừ (Comp.) là không. Trong chuỗi này, đèn cóc sẽ phát tín hiệu ( signal ) đến các remote unit cũng như mồi và truyền các giá trị về ánh sáng và phơi sáng cho các Speedlights không dây


Giá trị bù trừ Flash có thể được điều chỉnh cho các group A và B cũng như đèn cóc. Sử dụng phím mũi tên phải hoặc trái để di chuyển qua lại các ô "MODE" hoặc "Comp" ( comensation ) và các phím mũi tên lên xuống để xác định trị số mong muốn
Đèn cóc "Built-in Flash" cũng như các nhóm đèn A hoặc B khác có thể thiết lập để đánh và cài đặc giá trị phơi hay tắc mở từng phần riếng biệt tùy vào yêu cầu ánh sáng của thể. Nếu bạn thấy ký hiệu "-" trong ô mode của nhóm đèn nào thì nghĩa là nhóm đó không được đánh sáng
Lưu ý: Mặc dù bạn có thể tắc đèn cóc trong lúc tính toán giá trị phơi sáng, nhưng đèn cóc nhất thiết phải được bật nắp lên, để nó có thể truyền tín hiệu "pre-flash" đến các đèn remote unit

Một khi bạn đã thiết lập kiểu lệnh cho đèn như mong muốn, phải chắc rằng kênh và nhóm mà bạn đã chọn phải giống như chữ và số của kênh và nhóm trên đèn remote unit. Nhấn "Ok" để xác nhận


Lưu ý: kiểu lệnh cho đánh đèn không dây trên máy ảnh chỉ hoạt đông ở các chế độ P,S,A hay M nó không có ở các chế độ tự động Scene mode. Kiểu lệnh cho đánh đèn không dây trên máy ảnh ơ máy Nikon D70/D70s chỉ kích hoạt một nhóm và kênh đèn duy nhất là Chanel 3 & Group A

                                               hoangvist (nikonvn)

Vẽ lại từng thời khắc chuyển động bằng Repeating Flash

Stroboscopic flash hay RPT - Repeating flash là hiệu ứng chớp một chuỗi đèn liên tục cách khoảng đều nhau trong một lần phơi sáng duy nhất. 

Từng lần chớp đèn sẽ là lần chủ thể "bị ngừng chuyển động" hoặc có thể nói là chủ thể bị đóng băng, trong một chuỗi chuyển động liên tục trên một khung ảnh. Rất dễ để làm nên hiệu ứng như bức ảnh bên dưới.


Ảnh: Joe McNally


Các vật dụng bạn cần để thực hiện một bức ảnh stroboscopic flash:
• Máy ảnh DSLR
• Chân máy ba (tripod) 
• Dây bấm mềm (remote release)
• Nguồn sáng có thể sử dụng đèn cóc trên nóc máy (built in flash – tuỳ theo máy) hoặc các đèn flash rời có chức năng repeating
• Một phông nền tối (càng đen càng tốt)

Thiết lập máy ảnh:

Thiết lập trên máy ảnh với độ nhạy sáng ISO thật thấp từ 100-400 (nên nhớ rằng ISO có liên quan đến độ phủ của flash tương ứng với khẩu độ). Tuỳ theo điều kiện, nên khép khẩu thật chặt từ f/11 đến f/16 để tránh tình trạng chủ thể chuyển động vượt ra khỏi vùng ảnh rõ. Nếu chủ thể ở xa, khó có thể khép nhỏ khẩu độ được, thì nếu cần sẽ phải tăng ISO lên, hoặc giảm tần số nháy lại. Thiết lập máy ở chế độ timer bulb mode (chế độ phơi sáng B), để có thể nhả màn chập ra bất kỳ lúc nào, khi chủ thể ngưng chuyển động, hoặc điểm dừng tối ưu của chủ thể.

Thiết lập đèn:

Hầu hết trên các máy ảnh DSLR đều có menu cho việc cài đặt Repeating Flash cho đèn cóc (kiểm tra sách hướng dẫn sử dụng máy ảnh, với Nikon là menu RPT, Canon là menu Multi …) và cũng tương tự với các loại đèn Flash (không phải tất cả các loại đèn flash đều có chức năng này).


Menu RPT trên máy D90 và đèn flash SB900


Giải thích các thông số như sau:
Number of Flashes (times – Số lần phát sáng): số lần phát sáng của một khung hình
Frequency (tần số phát sáng): số lần phát sáng trong một giây (số lần này càng nhiều, thì công suất đèn càng giảm)
Ví dụ để giải thích thông số: khi ta thiết lập times = 4 và frequency = 100 nghĩa là trong một lần phơi sáng (trong khung hình) flash sẽ chớp 4 lần cách đều nhau với tần số chớp 100 lần trong một giây.

Cách chụp:
Đây là thể loại ảnh mà chủ thể chuyển động và nhiều khoảnh khắc trên một ảnh nên tự thân chủ đề đã rất rối. Nên sử dụng phông nền tối để ảnh thể hiện rõ được chủ đề. Hoặc nếu như ở sân khấu bạn nên điều chỉnh công suất đèn sao cho độ phủ đèn chỉ vươn ra khỏi chủ thể một ít.
Chụp với chế độ chụp chậm ở bulb, sử dụng dây bấm mềm, có thể từ 1/10s đến 60s tuỳ theo cách chuyển động của chủ đề, có thể đặt thêm chế độ hẹn giờ self-timer ở khoảng 5s để chủ đề luôn ở tư thế sẵn sàng. Gán số lần đèn phát sáng tùy theo ý đồ, để ý bức ảnh bên dưới ta có thể thấy được số lần phát sáng của đèn là 8 (số đôi cánh tay trong ảnh). Tùy chủ thể chuyển động nhanh hay chậm ta gán tần suất phát sáng frequency, nếu như trong bức ảnh bên dưới đôi cánh tay di chuyển từ dưới lên trên hết 2s và có 8 đôi cánh tay vậy ta sẽ gán frequency bằng 4hz. Sau khi số lần phát sáng đã đủ ta thả nút bấm trên dây bấm mềm ra.

Ảnh Jonathan Ray



Chỉnh sửa ảnh:

Đây là thể loại ảnh chụp với tốc độ chậm và đánh flash nên thông thường ảnh sẽ dư sáng, nên cân chỉnh lại level trong ảnh. Ngoài ra vì yêu cầu của cách chụp này là phơi sáng nên sẽ có những vệt sáng không mong muốn, hãy lau chùi ảnh kỹ lại. 

                                                                                                          hoangvist (nikonvn)

Tốc độ màn trập

Trong máy ảnh DSLR, màn trập là một bộ phận ở phía trước cảm biến, bằng cách đóng mở, nó cho phép "một thời lượng ánh sáng được thiết lập trước" đi tới cảm biến. Màn trập và cả những lá thép của nó được cải tiến rất nhiều lần qua từng thời kỳ. Việc cải tiến này nhằm mục đích nâng cao tuổi thọ và gia tăng tốc độ đóng mở màn trập. 

Hiểu nhầm về kỹ thuật

Một số ít người dùng DSLR cho rằng khi chụp tốc độ cao, ví dụ S=1/8000s màn trập sẽ mở ra thật nhanh để cảm biến lộ sáng hoàn toàn trong thời gian 1/8000s và sau đó đóng lại. Và cho rằng nhờ những cải tiến kỹ thuật mà việc đóng màn trập có thể đạt đế đến tốc độ cao như vậy.Thật thú vị, nhưng đáng tiếc đây lại là một hiểu nhầm về kỹ thuật! Vì hiện chưa có một thiết bị cơ khí nào (dùng trong nhiếp ảnh dân dụng) có thể đạt được vận tốc di chuyển “kinh khủng” như vậy được


Màn trập trên Nikon D3s cho phép tốc độ chụp từ 30s ( hoặc chậm hơn ) đến 1/8000s


Hoặc cũng có thể suy diễn là rằng màn trập hoạt động trước cảm biến giống như đóng một rèm cửa phía trước cửa sổ. Nếu như vậy thì thật là sai lầm. Vì nếu là một rèm cửa như vậy, khi ta kéo tấm màn từ trên xuống dưới, thời gian ánh sáng đi qua cửa sổ ở phía dưới sẽ nhiều hơn ở phía trên cửa sổ. Hoạt động của màn trập trong máy ảnh DSLR không phải là như vậy.

Trong tất cả máy ảnh kỹ thuật số DSLR có hai màn trập mở đóng theo chiều dọc và làm hai động tác: thứ nhất là mở và thứ hai là đóng. Và thời gian nhanh nhất của cả một màn trập di chuyển hết chiều cao cảm biến là 1/250s (tuỳ theo máy có thể là 1/125s, 1/200s, 1/250s hoặc cũng có thể 1/300s) 

Cấu trúc của màn trập.

Trước thập niên 1980, tất cả các màn trập đóng mở hoàn toàn bằng lò xo, và định thời lượng phơi sáng cũng dựa trên độ siết chặt của lò xo và đa phần là đóng mở theo chiều ngang. Ngày nay đa số các máy ảnh sử dụng màn trập đóng mở theo chiều dọc (tuy vẫn còn một số máy ảnh như Leica MP đóng mở theo chiều ngang). Đóng theo chiều dọc sẽ giảm được đoạn đường đi nhờ đó mà tốc độ chụp sẽ được gia tăng.


Màn trập trên máy Nikon F4 film SLR

Trong tất cả các máy ảnh được sản xuất hiện nay, luôn có hai màn trập. Có thể gọi là màn trập phía trước hoặc sau (front/rear curtain) nếu nói theo vị trí của hai màn trập. Hoặc cũng có thể gọi là màn trập thứ nhất và màn trập thứ hai (first/second curtain) nếu nói theo thời điểm làm việc thì thứ nhất là mở và thứ hai là đóng.


Sơ đồ đóng mở màn trập trên máy Nikon F4 film SLR. Trước khi nhấn nút chụp, cà 2 màn trập đóng. Ở thời điểm sẵn sàng phơi sáng, màn trập “sau” rút lên. Bắt đầu chụp, màn trập “trước” mở ra bắt đầu phơi sáng.Trước khi kết thúc, màn trập “sau” đóng lại để kết thúc phơi sáng.

Chụp tốc độ chậm

Sử dụng máy ảnh Nikon D3, xác lập thời gian phơi sáng là 1/60s


Khi nhấn hết nút chụp, đầu tiên là gương lật sẽ đưa lên rất nhanh đồng thời màn trập phía sau rút lên. Quy trình phơi sáng sẵn sàng.


Đầu tiên tại thời điểm “0.00s cộng thêm thời gian gương lật di chuyển”. Quá trình phơi sáng bắt đầu. Màn trập phía trước sẽ “mở” với vận tốc x-sync. 


Tại thời điểm ”1/60s trừ đi thời gian màn trập sẽ di chuyển”. Màn trập sau sẽ “đóng” và di chuyển cũng với vận tốc x-sync. Khi màn trập đã đóng hoàn toàn tại thời điểm 1/60s thì quá trình phơi sáng kết thúc.

Kết thúc phơi sáng mọi việc lại trở lại như ban đầu. Gương lật rớt xuống và màn trập trước sẽ đóng lại (có một vài chế độ chụp, việc phơi sáng luôn ở vị trí sẵn sàng).
  • Nhờ hai màn trập đóng và mở, nên mọi điểm ảnh sẽ nhận được lượng sáng “bằng” như nhau.
  • Quá trình như vậy cũng diễn ra tương đương nếu như xác lập thời lượng phơi sáng là 1/250s (thời lượng lộ sáng ứng tốc độ màn trập tối đa). Màn trập phía trước sẽ mở với vận tốc tối đa h-sync. Vừa xong, tại thời điểm t=1/250s màn trập sau lập tức đóng lại ngay cũng với vận tốc tối đa h-sync.

Chụp tốc độ nhanh
Ví dụ xác lập thời lượng phơi sáng là 1/1000s. Quá trình đóng mở hoàn toàn tương tự như ở chế độ chụp “chậm”. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là cảm biến không lộ sáng “toàn phần” mà chỉ là là “từng phần” 


Ngay sau khi phơi sáng sẵn sàng.


Đầu tiên là màn trập phía trước sẽ “mở” với vận tốc h-sync. Quá trình phơi sáng bắt đầu.


Tại thời điểm 1/1000s, màn trập sau sẽ “đóng” cũng với vận tốc h-sync. Mặc dù lúc này màn trập trước chưa hoàn tất sứ mạng là mở hoàn toàn cảm biến.



Hai màn trập này chạy với vận tốc như nhau nên tạo thành một “khe lộ sáng” quét phía trước cảm biến. 


Màn trập sau đóng kín cảm biến (màn trập trước đã mở hoàn toàn trước đó một khoảng thời gian). Quy trình phơi sáng ở chế độ chụp nhanh kết thúc .


Kết thúc phơi sáng mọi việc lại trở lại như ban đầu. Gương lật rớt xuống và màn trập trước sẽ đóng lại (có một vài chế độ chụp, việc phơi sáng luôn ở vị trí sẵn sàng ).

Với cách hoạt động như vậy, tất cả điểm ảnh luôn nhận được lượng phơi sáng như nhau ở bất cứ vị trí nào và đúng với thời lượng đã xác lập. Độ mở của “khe lộ sáng” luôn là hằng số vì hai màn đóng và mở với tốc độ “đồng bộ” như nhau. Tốc độ chụp càng cao khe lộ sáng càng nhỏ và dĩ nhiên cảm biến cũng ghi nhận ánh sáng ít hơn. Và cũng xin nói thêm, thời gian quét nhanh nhất của “khe lộ sáng” cũng chỉ ở ngưỡng 1/250s để quét hết chiều cao của cảm biến. Đây được xem là tốc độ đồng bộ đèn tối đa, ở chế độ thường.



So sánh 3 tốc độ chụp. Hình minh hoạ : DPS

Khi hiểu được cách làm việc của màn trập ta có thể hiểu được thêm nhiều vấn đề khác có liên quan như tại sao chế độ đánh đồng bộ đèn thường (normal sync speed) thì máy ảnh chỉ cho phép gán tốc độ màn trập tối đa (1/250s) hoặc ứng dụng sử dụng đèn với chế độ đồng bộ đèn tốc độ cao (high sync speed)
                                                                                                          hoangvist (nikonvn)

Kỹ thuật đánh đèn flash căn bản

Ánh sáng mặt trời là nguồn sáng đẹp nhất trong tất cả các nguồn sáng nhưng không phải mọi lúc, mọi nơi nguồn sáng này luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà nhiếp ảnh.
Khi đó, nhà nhiếp ảnh sẽ dùng thêm một nguồn sáng nhân tạo là đèn flash. Bạn luôn nhớ một điều rằng: "chất lượng của nguồn sáng quyết định chất lượng hình ảnh". Nếu bạn cho rằng sử dụng đèn flash rất khó, thì có lẽ bạn chưa nắm bắt được những kỹ thuật trong đánh đèn flash. Dưới đây là một số vấn đề căn bản trong đánh đèn flash.


Đánh đèn flash với tản sáng (Diffuser)
Tản sáng là dụng cụ làm cho ánh sáng khuếch tán và mềm mại. Khi đánh bằng đèn flash mà không dùng tản sáng ánh sáng sẽ gắt, và tạo nhiều vùng bóng đổ đậm rất mất thẩm mỹ. Ngoài ra, trong thể loại ảnh chân dung chụp với flash, ánh sáng khuếch tán còn khiến da mặt trở nên láng mịn, xoá bỏ những khiếm khuyết trên khuôn mặt. Tản sáng có thể làm bằng vải, giấy hoặc nhựa trong suốt mà ánh sáng đèn có thể đi qua và tản ra.


Hình bên trái dùng tản sáng, vùng bóng đổ dưới cằm êm dịu. Hình bên phải đánh trực tiếp, bóng đổ dưới cằm gắt, đậm và mất chi tiết.

Đánh đèn flash với hắt sáng:
Hắt sáng (phản quang) là các dụng cụ phản chiếu ánh sáng được dùng như một nguồn sáng thứ cấp dùng để phủ sáng vào các vùng tối trên chủ thể phụ hoạ với nguồn sáng chính là đèn flash. Thông thường hắt sáng có hai màu là màu bạc và màu vàng. Hắt sáng màu bạc cho tone ánh sáng trắng lạnh và màu vàng cho tone vàng ấm. Nếu bạn không có hắt sáng bạn có thể dùng giấy bạc, tấm xốp, giấy tint foild, các loại mica phản quang…


Đặt đèn bên trái khuôn mặt. Hình bên trái dùng hắt sáng đặt hắt sáng bên phải, gò má phải đủ sáng. Hình bên phải không dùng hắt sáng, gò má phải bị tối gắt.

Đánh đèn gián tiếp:
Một trong những cách làm ánh sáng đèn flash dịu đi và lan toả là đánh flash không trực tiếp vào chủ thể mà đánh phản chiếu từ các bề mặt hắt được ánh sáng như trần, tường nhà hoặc tấm hắt sáng... Nghiên cứu kỹ bố cục và quyết định hướng tới của ánh sáng phản chiếu là vấn đề cốt lõi trong cách đánh đèn gián tiếp (lưu ý bóng đổ sẽ không hiện diện trước khi đèn flash nháy mà nó chỉ hiện diện trên kết quả, đòi hỏi người chụp phải lưu ý lựa chọn hướng nguồn sáng phù hợp để chủ thể không nằm trong vùng bóng đổ)


Hình bên trái, đánh flash gián tiếp từ trần ánh sáng mềm dịu tự nhiên. Hình bên phải, đánh trực tiếp, ánh sáng gắt và gương mặt không rõ khối.

Đồng bộ đèn tốc độ cao (Auto FP Hight-Speed Sync):
Tốc độ của màn trập là 1 trong 3 đại lượng quyết định lượng EV. Với tốc độ màn trập đóng nhanh bạn có thể ghi nhận được các vật chuyển động nhanh, nhưng do thời lượng phơi sáng ít do đó ảnh sẽ rất tối. Với việc đánh flash “đồng bộ tốc độ cao – auto hight-speed sync” bạn có thể gán tốc độ ăn đèn đồng bộ với tốc độ màn trập đóng nhanh, thời lượng cho phép lên đến 1/4000s (tuỳ theo DSLR và flash). Ngoài ra, đánh flash "đồng bộ tốc độ cao" cho phép bạn cân bằng được EV giữa hậu cảnh và chủ thể, hoặc nó cũng cho phép bạn mở khẩu lớn mà không lo đến việc bù trừ với tốc độ đóng màn trập nhanh bị giới hạn bởi khả năng đánh flash thông thường.


Chụp với tốc độ cao để ghi nhận những giọt nước. Hình bên trái dùng flash, chủ thể đủ sáng. Hình bên phải, không đánh flash chủ thể thiếu sáng.

Đồng bộ tốc độ thấp (Slow-Sync):
Độ phủ của flash không là vô tận, nó được giới hạn bởi GN (guide number - chỉ số công suất đèn). Với việc đánh flash thông thường, ảnh sẽ bị nông cạn và thiếu chiều sâu do độ phủ của đèn flash giảm dần vì thế vùng hậu cảnh có thể nằm ngoài vùng phủ sáng. Chế độ Slow-Sync cho phép đánh đèn trong lúc chụp với tốc độ chậm. Với chế độ này, bạn có hai hiệu quả ánh sáng cùng một lúc, đèn flash sẽ “tạm thời” bắt chủ thể đứng im để ảnh của chủ thể sắc nét, và tốc độ đóng màn trập chậm làm cho thời lượng ánh sáng qua ống kính đủ để ảnh của vùng hậu cảnh đúng sáng. Nên dùng tripod để chụp và sử dụng chế độ đo sáng ma trận trong chế độ Slow-Sync.


Hình bên trái, sử dụng Slow-Sync, cả chủ thể và background đúng sáng, ảnh có chiều sâu. Hình bên trái, dùng normal sync, ảnh chủ thể đúng sáng nhưng vùng background thiếu sáng, mất chiều sâu.

Dùng Gel màu để bù trừ màu:
Bạn có thể dùng gel màu là các miếng plastic màu trong suốt, để bù trừ những màu bị ám trong khung cảnh. Hoặc cũng có thể dùng các gel màu để tăng tính thẩm mỹ và sáng tạo cho bức ảnh.


Hình bên trái, dùng flash và gắn gel màu đỏ + ống kính gắn kính lọc màu xanh cho ảnh có tone màu ấn tượng. Hình bên phải, đánh flash và không dùng thêm gì cả, ảnh bình thường.

Chụp bằng nhiều đèn flash:
Bạn có thể dùng nhiều flash với nhiều công suất khác nhau để đánh sáng theo đúng chủ ý của bạn. Không có nguyên tắc giới hạn số lượng flash bạn cần dùng cho khung hình, đặc biệt là trong thể loại chụp ảnh với các vật phản quang như bề mặt kim loại, thuỷ tinh, đồ trang sức… Một nguồn sáng mạnh có thể làm toàn bộ khung ảnh sáng nhưng sẽ có những điểm phản quang bị sáng loé, trong lúc này nên bố trí nhiều nguồn sáng để cân bằng sáng cho toàn bộ khung ảnh và không có điểm nào sáng loé. Nếu đang sử dụng máy ảnh Nikon, bạn nên nhớ rằng có rất nhiều máy Nikon DSLR hỗ trợ CLS là đánh sáng nhiều đèn một lúc và không cần thêm các thiết bị hỗ trợ bên ngoài để truyền tín hiệu.


Hình bên trái, dùng một đèn chủ gắn trên máy và hai đèn đơn vị, ảnh thể hiện được rõ chất liệu. Hình bên phải, dùng một flash chất lượng ảnh nghèo nàn.

                                                                                                                         hoangvist (nikonvn)

Thuật ngữ dùng cho đèn flash Speedlight

Đèn tốc độ - Speedlight (Speedlite) là đèn chớp đồng bộ điện tử dùng cho các loại máy ảnh điện tử có khả năng lấy nét tự động. Ngoài các chức năng chung của đèn flash, đèn tốc độ còn có thêm bộ vi xử lý nhỏ (microcomputer) để tạo thêm nhiều chức năng khác có thể dùng chung với các ảnh DSLR hiện đại.


GN – Guide Number - Chỉ số công suất
Năng lực của đèn được đánh giá qua chỉ số hướng dẫn GN, cho biết cự ly ăn đèn ứng với giá trị khẩu độ và ISO cho trước.
Chỉ số GN cơ sở được ghi trên catalogue của đèn cho biết cụ ly phủ sáng (flash range) xa nhất của flash là bao nhiêu mét (hoặc feet) ứng với độ nhạy sáng ISO tối ưu (thường là ISO=100), với góc mở tiêu cự 35mm trên máy film (hoặc máy ảnh FX), trong môi trường truyền dẫn ánh sáng tốt nhất (trên catalogue của flash sẽ ghi cụ thể các thông số) . Với GN cơ sở ghi trên catalogue, nếu D là cự ly phủ sáng ta có:


D = GN/F-Number


Nếu nhìn công thức trên ta sẽ thấy nếu khẩu độ càng mở thì đoạn đi của flash tương ứng GN càng dài.
Lưu ý: Mỗi một lần tăng F-Stop hoặc ISO lên 1 nấc thì GN sẽ tăng lên 1.41 lần. Ví dụ đèn Canon Flash 550EX có GN = 55, nếu tăng từ ISO=100 lên ISO=200, ta sẽ có GN= 55 x 1.41 = 78. Cự ly phủ sáng là chiều dài của đường đi tia sáng flash không phải là khoảng cách từ máy đến chủ thể. Nếu đánh đèn phản xạ trần, đường đi của tia sáng phải tính là đoạn đường từ flash đến trần và từ trần đến chủ thể (phải trừ hao thêm khả năng phản sáng của trần nữa). 

E-TTL (I –TTL) - Cân bằng phủ sáng tự động
E-TTL - Evaluative Through The lens (hay I-TTL - Intelligent Through The Lens): ước lượng ánh sáng đèn qua ống kính. Hệ thống này không dùng bộ phận cảm biến flash sensor trên đèn để đo sáng mà nó dùng một nguồn sáng thứ cấp có công suất thấp và xung ngắn gọi là Pre-flash phát ra trước nguồn sáng chính, quang kế trên máy ảnh sẽ phân tích và tổng hợp giữa ánh sáng môi trường và ánh sáng do nguồn sáng thứ cấp này phát ra để quyết định công suất cho đèn. Nói đơn giản hơn, đèn sẽ phát ra nguồn sáng “nháp” và máy ảnh dùng nguồn sáng này làm cơ sở quyết định công suất cho nguồn sáng chính. Quá trình đo sáng trong chế độ này tương tự chế độ đo sáng ma trận trên máy ảnh, nguồn sáng Pre-flash sẽ đánh sáng mọi vật thể trong khung ảnh, máy ghi nhận, phân tích và đưa ra kết quả về công suất để cân bằng phủ sáng cho đèn


Với E-TTL (I-TTL), flash phát sáng "nháp" trước để ước lượng công suất, sau đó đèn chính thức "nổ" để cung cấp nguồn sáng chính xác.

Synchronized Flash Speed - Tốc độ ăn đèn
Tốc độ ăn đèn là thời gian khi chủ thể nhận được ánh sáng từ đèn, khi film (hoặc cảm biến) đã lộ sáng hoàn toàn cho đến lúc đèn ngừng phát sáng. Khi thiết kế đèn flash, các kỹ sư đã tính toán “thời điểm” đèn phát sáng tương thích với “thời điểm” màn trập đóng mở. 

Maximun Flash Sync Shutter Speed
Tốc độ đóng màn trập tối đa đồng bộ với flash là tốc màn trập ở mức tốc độ cao nhất có thể để đồng bộ hoá với flash. Đối với các DSLR hiện đại thường là 1/180s hoặc 1/250s.

Normal Sync – Đồng bộ đèn bình thường.
Normal Sync là tốc độ ăn đèn bình thường, nó bao gồm từ tốc độ ăn đèn tối đa về tới tốc độ chậm nhất của máy ảnh, và B (là rất nhiều tốc độ).
Trong các D-SLR luôn tồn tại 2 màn trập đóng và mở với thời gian chính xác. Khi nhấn nút chụp, màn trập thứ nhất sẽ mở để lộ cảm biến (hoặc phim) và sau đó màn trập thứ hai sẽ đóng lại kết thúc quá trình phơi sáng. Khoảng giữa thời gian "đóng và mở" gọi là thời gian phơi sáng có thể kéo dài tới 30s (có thể lâu hơn) hoặc nhanh tới 1/8000s hoặc 1/10.000s tuỳ theo DSLR. Có tên gọi khác cho màn trập thứ nhất và thứ hai (first curtain/second curtain) là màn trập trước và màn trập sau (front/rear curtain)
Khi đang ở chế độ Normal Sync. Với tốc độ chụp chuẩn, "màn trập thứ nhất mở, đèn flash nháy, màn trập đóng lại". Khi vượt quá tốc độ ăn đèn tối đa, màn trập thứ nhất chưa mở ra toàn phần, thì màn trập thứ hai đã bắt đầu di chuyển, và khi màn trập thứ nhất vừa đến điểm cuối, thì flash nháy để ghi nhận nguồn sáng và màn trập thứ hai đóng lại, tạo thành “một khe lộ sáng” khoảng phơi sáng ở giữa hai màn trập. Đèn flash phát sáng trong quá trình đóng màn trập nhanh này không đủ thời gian để phơi sáng toàn bộ khung ảnh mà chỉ kịp đủ để rọi sáng một phần khung ảnh.


Tốc độ màn trập đóng nhanh, flash nháy nhanh khi hai màn trập đang di chuyển, flash không đủ thời gian rọi sáng toàn bộ khung ảnh


Tốc độ ăn đèn tối đa của máy này là 1/180s, khi vượt lên đến 1/200s,
thì bắt đầu hơi bị tối một chút bên góc phải khung hình, và hiện tượng bị che sẽ càng nhiều hơn, khi tốc độ càng tăng cao hơn.
Ảnh minh hoạ: neilvn

Auto FP High-Speed Sync - Đồng bộ đèn tốc độ cao tự động
Chế độ này cho phép tốc độ màn trập đóng nhanh hơn "Tốc độ đồng bộ đèn tối đa - Maximun Flash Sync Shutter Speed". Với chế độ Auto FP High-Speed Sync cho phép đèn đánh đồng bộ với máy ảnh lên đến 1/4000s phù hợp cho những cảnh chụp cần tốc độ màn trập đóng nhanhnhư chụp ảnh trong môi trường ánh sáng chói chang cần tăng tối đa tốc độ màn trập, hoặc như các cảnh chụp cần bắt đứng hình ảnh di chuyển. Trong chế độ Auto FP High-Speed Sync, đèn flash sẽ nháy liên tục trong quá trình phơi sáng với chu kỳ 50.000Hz, như vậy ảnh sẽ được flash rọi sáng toàn phần.


Trong chế độ Auto FP High-Speed Sync, đèn flash sẽ nháy liên tục

Lưu ý thêm: khi tốc độ ăn đèn càng cao thì hiệu suất GN càng giảm. Ví dụ đối với đèn Canon 380EX, ở tốc độ màn trập là 1/500s thì GN tương ứng là 10.8 nếu như ở tốc độ màn trập là 1/4000s thì GN tương ứng là 3.8



Slow Sync - Đồng bộ đèn tốc độ chậm.
Là việc đánh đèn trong lúc chụp với tốc độ chậm. Hiệu quả của ảnh nhận được sẽ là kết quả của chế độ hoà trộn giữa hiệu ứng tốc độ chậm để tăng sáng trong vùng tối và hiệu quả đánh flash làm rõ nét chủ thể trong vùng phủ sáng.


Nhấn nút chụp, flash đánh sáng làm rõ chủ đề đồng thời ảnh vùng background được ghi nhận
nhưng chưa đủ thời lượng phơi sáng nên vùng background thiếu sáng



Đèn tắt sáng nhưng sensor vẫn lộ sáng, tiếp tục ghi nhận ánh sáng ambient trong vùng background

Có 2 chế độ trong slow sync là flash nháy ngay khi màn trập vừa mới mở (Front- Curtain Sync) và chế độ nháy flash tíc tắc ngay khi sắp kết thúc quá trình phơi sáng (Rear-Curtain Sync). Mặc định, nếu không gán chế độ Rear-Curtain Sync, được hiểu là Front-Curtain Sync (một số DSLR không ghi chế độ Front-Curtain, không nên hiểu lầm là máy không có chế độ này). Với chế độ Front-Curtain Sync, khi chụp một chủ thể đang chuyển động, đèn flash sẽ đánh sáng buộc chủ thể phải “tạm”đứng im cho đến khi đèn flash kết thúc quá trình đánh sáng, và quá trình phơi sáng vẫn tiếp tục ghi nhận những chuyển động của chủ thể. Kết quả ta sẽ có chủ thể đứng yên và những vệt nhoè do chuyển động tiếp nối phía sau. Và ngược lại với Rear-Curtain Sync


Front-Curtain Sync, chủ thể đứng “tạm” đứng yên lúc bắt đầu lộ sáng (trái) và Rear-Curtain Sync, chủ thể đứng yên khi gần kết thúc lộ sáng (phải).

FV lock – Khoá thông số đèn 
Cũng có tên gọi khác là FE Lock (Flash Exposure Lock). FV Lock (Flash Value lock) là chế độ khoá thông số đèn để bố cục lại ảnh mà không làm thay đổi các thông số trên đèn.

Flash Exposure Compensation (FEC) - Bù trừ sáng trên flash
Tăng giảm công suất trên đèn không làm thay đổi giá trị EV trên máy ảnh. FEC cho hiệu quả khác với hiệu quả bù trừ sáng trên máy là nó không thể làm thay đổi giá trị EV của background ngoài vùng phủ sáng được. Do đó rất hiệu quả nếu chỉ muốn thay đổi EV của chủ đề mà background vẫn giữ nguyên giá trị EV. Hai biến số liên quan đến giá trị EV của đèn là là cự ly phủ sáng (GN) và tốc độ ăn đèn (Sync Speed).


Thay đổi EV cho chủ thể, nhưng giá trị EV của background (ngoài vùng phủ sáng) vẫn giữ nguyên

Với việc thay đổi bù trừ sáng trên flash, ta có thể ứng dụng vào việc chụp bủa vây flash - Flash Exposure Bracketing (FEB) bằng cách gán cho máy ảnh chụp bủa vây liên tục với 3, 5 hoặc 9 tấm ảnh với các trị số phát sáng (FEC) khác nhau.

Repeating Flash –RPT: Chế độ chớp sáng đèn liên tục
Stroboscopic flash hay RPT - Repeating flash là hiệu ứng chớp một chuỗi đèn liên tục cách khoảng đều nhau trong một lần phơi sáng duy nhất.


Red-Eye Reduction – Giảm mắt đỏ
Đèn Speedlight sẽ chiếu liên tục một loạt ánh sáng trắng (tạch tạch_ – trước khi đèn nổ chính thức, nhằm xoá trắng và làm đồng tử của mắt người (hoặc thú vật) khép lại, giảm thiểu hiện tượng mắt đỏ.

Speedlight auto zoom capability – Góc chiếu sáng thay đổi tự động
Không nên hiểu nhầm “zoom capability” là cự ly phát sáng của đèn mà nên hiểu là góc chiếu sáng (angle of coverage) của đèn ứng với một tiêu cự nào đó (dù thực tế là khi thay đổi góc phát sáng, thì GN cũng thay đổi theo).


Góc chiếu sáng hẹp và góc chiếu sáng rộng

Những đèn chớp điện tử "cổ điển" dùng cho máy film 135 thường chỉ có một góc chiếu sáng, khoảng 60 độ chiều dọc và 45 độ chiều ngang, ứng với ống kính tiêu cự 35mm. Nếu ống kính có tiêu cự dài hơn như 50mm thì không có vấn đề gì, nhưng nếu sử dụng ống kính có tiêu cự ngắn hơn như 24mm, 17mm..., thì vấn đề phát sinh là ảnh sẽ bị tối 4 góc do nằm ngoài vùng phủ sáng của đèn.
Các đèn Speedlight được cải tiến phù hợp với các DSLR có chức năng thay đổi góc chiếu sáng phù hợp với khá nhiều các tiêu cự của ống kính, kể cả fisheye. Nó có thể tự động điều chỉnh góc chiếu sáng của đèn phù hợp với tiêu cự hiện hành hoặc cũng có thể tuỳ biến để chọn góc phủ phù hợp với ý đồ sáng tác.
                                                                                                         hoangvi st (nikonvn)