Trang

my photo

my photo

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Thử quay phim bằng Nikon D90

Mặc dù có thể quay phim nhưng D90 trước hết vẫn là một máy ảnh số nên không có nhiều tính năng hỗ trợ quay video hấp dẫn như ở các handycam đang được bày bán ngoài thị trường, ngoại trừ khả năng cho hình ảnh độ nét cao.

Nikon D90 trước hết là một chiếc máy DSLR đáng mơ ước. Ảnh: Dpreview.


D90 là chiếc DSLR dòng trung cấp mới nhất của hãng Nikon. Nó có đủ những tính năng cần có của một chiếc máy ảnh tầm dưới 1.000 USD, như cảm biến 12,3 Megapixel, khả năng chụp thiếu sáng tốt như người anh kế tiếp (chiếc D300). D90 có thể chụp liên tiếp với tốc độ 4,5 hình/giây và thiết lập ISO lên tới 3.200. D90 còn có màn hình LCD sáng, lớn tới 3 inch, cảm biến rung rũ bụi, chất lượng vỏ máy và thế cầm tuyệt vời. Tuy nhiên, điểm làm cho chiếc máy này nổi bật lại không nằm ở khả năng chụp ảnh. Nó là máy ảnh số ống kính rời đầu tiên hỗ trợ quay video độ phân giải cao.

Mặc dù có thể quay phim, nhưng Nikon D90 trước hết vẫn là một máy ảnh số. Chính xác là một chiếc máy ảnh DSRL tầm trung rất hấp dẫn, chứ không phải là một chiếc máy quay phim.

Nikon chỉ trang bị cho D90 một số tính năng quay video cơ bản, nên khả năng ghi hình còn nhiều hạn chế. Trước hết là thiếu âm thanh stereo, không có khe cắm micro, không được trang bị zoom điện - khả năng mà máy quay nào cũng có (mặc dù tốc độ khác nhau). D90 cũng chẳng mang màn hình xoay đa hướng, hay cả những tính năng, thiết lập cần thiết khác cho việc quay phim.

Ưu điểm lớn nhất của chiếc máy quay DSLR này so với digicam là sử dụng được vô khối ống kinh, kể cả những cái mà không mấy ai biết tới trong công nghệ phim nhựa và phim truyền hình.


Khi quay phim, bạn không thể chỉnh được phơi sáng hay tốc độ trập.
Ảnh: Dpreview.

Những người đã sử dụng qua máy ảnh DSLR sẽ tò mò, không biết D90 khi quay phim sẽ ra sao vì với máy ảnh số ống kính rời khi chụp bạn còn chỉnh phơi sáng hay tốc độ trập được... Một điểm đáng lưu ý là khi vào chế độ ghi hình, bạn sẽ không thể nào chỉnh được tốc độ trập, khẩu độ hay cả ISO. Thực tế là chuyển qua chế độ tự động hoàn toàn và chỉ có mỗi một chức năng hoạt động là tùy chỉnh độ phơi sáng mà thôi.

Chuyển qua chế độ quay phim chẳng khác nào để máy chụp ở chế độ tự động, với chế độ ISO tự động được kích hoạt. Phần lớn các thiết lập hiện tại của máy ảnh ở chế độ chụp sẽ không còn ý nghĩa nữa. Những cái có thể chỉnh được là lấy nét, chỉnh tiêu cự và zoom bằng tay, ngoài ra, một số tùy chỉnh khác như cân bằng trắng (white balance), tăng nét (sharpening), tông sáng (tone curves)… cũng có thể cài đặt được trước khi quay.


Việc bố trí các tùy chỉnh rất hài hòa. Ảnh: Dpreview.

Việc bố trí các tùy chỉnh của D90 tương đối hài hòa. Không như những chiếc DSLR cỡ nhỏ, D90 không bỏ đi màn hình LCD ở mặt trên của máy nên rất dễ can thiệp để điều chỉnh các thông số.

Để điều chỉnh cân bằng trắng, bạn bấm giữ nút dưới phải và xoay bánh xe phía sau. Nếu chọn điều chỉnh trực tiếp độ "K" (màu nhiệt) thì dùng bánh xe phía trước để chọn. Vì những tùy chỉnh này có thể làm ngay ở chế độ Live View nên tác động của việc tùy chỉnh nhìn thấy được ngay.

Bởi D90 không có màn hình LCD linh hoạt và ống ngắm quang sẽ tối om khi đang quay phim, nên quay bằng D90 sẽ rất "ngượng nghịu". Cầm máy ảnh này mà vươn ra chụp đã là một chuyện, giữ nó liên tục để quay với tư thế như vậy chẳng khác nào tự "bỏ" thêm ít rung và giật hình vào cảnh quay luôn. Với D90 hoặc những chiếc DSLR vừa quay chụp không có màn hình linh động hoặc ống ngắm điện tử thì người dùng nên đặt lên chân máy thật vững để quay.


D90 không có màn hình LCD linh hoạt nên ống ngắm quang sẽ
tối om khi quay phim. Ảnh: Engadget.


D90 sử dụng cùng một loại pin với D300 và các máy Nikon DSLR đương thời. Nếu chỉ chụp hình thì một lần sạc cũng đủ cho hàng trăm kiểu ảnh. Nhưng khi sử dụng chế độ Live Video thì pin bị tiêu tốn một cách đáng kể, và quay phim còn tốn hơn nữa, bởi vừa phải nuôi Live View vừa phải ghi dữ liệu liên tục vào thẻ. Và nếu sử dụng ống kính chống rung thường xuyên thì pin là cả một vấn đề.

Với một lần xạc đầy, chỉ 20 phút quay phim với ống kính chống rung là đèn báo đã nháy đỏ. Vì vậy khi sử dụng D90 cần chuẩn bị sẵn vài cục pin cho chắc.

Nikon D90 không thể thay thế được máy quay do chất lượng phim không thực sự nổi trội, thiếu nhiều tính năng khi được so sánh với máy quay thực thụ. Tuy nhiên, khi xem video từ chiếc máy ảnh này, nhiều người cảm thấy thích vì hình ảnh cá tính hơn các máy ảnh chuyên và bán chuyên khác.



Nikon D90. Ảnh: Letsgodigital.

Quay phim là một phần của chế độ Live View. Không giống như nhiều máy ảnh có Live View xếp cạnh các tùy chọn khác, D90 có một nút Live View riêng. Sau khi kích hoạt chế độ này, bạn chỉ cần bấm nút OK là bắt đầu quay. Bấm cái nữa là dừng. Tuy nhiên, nếu muốn xem lại đoạn video vừa quay, phải tắt chế độ này bằng cách bấm vào nút LV một lần nữa rồi vào Review để xem như với ảnh tĩnh. Ở chế độ xem lại, bạn có thể điều khiển tạm dừng, tua tới, tua lui.

D90 có loa gắn trong và có thể điều chỉnh được âm lượng, hoặc tắt đi, nếu muốn. Mặc dù có sẵn micro và loa nhưng lại không thể ghi âm chú thích cho ảnh tĩnh, điều có thể làm được với Nikon D3.

Việc lấy nét của D90 phải nói là khá tốt, nhưng lại không thể thực hiện được ở chế độ quay phim. Khi quay phim, tính năng lấy nét đã chuyển từ phase detection (dùng chip lấy nét riêng) sang contrast detection (phát hiện tương phản trong hình ảnh thu được để lấy nét) - chế độ mà các máy quay phim và máy ảnh loại phổ thông thường dùng. Kiểu này thường chậm và kém chính xác khi thiếu sáng. Lấy nét bằng cách bấm nửa nút chụp và khi đã canh nét xong thì ô chữ nhật trên màn hình chuyển từ màu đỏ sang màu xanh. Dĩ nhiên, bạn có thể lấy nét bằng tay.

Nikon D90 bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Thạch rau câu (Jellocam) giống như các thiết bị quay có dùng cảm biến CMOS. Tuy nhiên, D90 lại bị nhuốm hiệu ứng này nhiều nhất. Khi lia máy theo chiều ngang, các vật theo chiều dọc sẽ có cảm giác bị xô lệch rồi lại trở về vị trí cũ khi máy ngừng lia. Lý do là không giống CCD, những chip CMOS không lưu lại toàn bộ khung hình cùng một lúc, mà nó lại ghi cuốn chiếu lần lượt từ trên xuống dưới (rolling shutter), bởi vậy, rất có thể một vật thể chuyển động sẽ được ghi lại tại các chỗ khác nhau trong khung hình. Một số dòng máy quay chuyên nghiệp như RED One và Sony EX-1 ít bị hiệu ứng này hơn.


D90 "săn tìm" phơi sáng giống máy quay. Ảnh: Dpreview.

Một nhược điểm nữa của D90 là “săn tìm” phơi sáng, nên khi lia máy gặp một yếu tố nhỏ ảnh hưởng tới cường độ sáng, như một người bước ngang qua cửa sổ, thì máy cũng tự điều chỉnh lại độ phơi sáng. Điều này ít nhiều làm người dùng khó chịu. Tuy nhiên, yếu tố đó cũng không khác máy quay là mấy nên những nhà quay phim chuyên nghiệp thường tắt các chức năng tự động, như lấy nét, cân bằng trắng, điều chỉnh phơi sáng… trước khi quay.

Ngoài ra, để tránh máy liên tục điều chỉnh phơi sáng, bạn nên kích hoạt nút AE-L ở chế độ khóa (f4 - AE-Lock Hold). Khi đã thiết lập nút AE lock qua bấm giữ (Hold), chỉ cần chĩa máy vào một vùng nào đó phù hợp, tốt nhất là vào một tấm bìa xám, và khóa phơi sáng lại.


Khi quay bằng D90 cần lưu ý không đoạn video HD nào được dài quá 5 phút.
Ảnh: Trustedreviews.

Khi quay phim, cũng cần hết sức lưu ý, không có đoạn video nào được lớn hơn 2 GB. Lý do, có thể định dạng FAT 32 không hỗ trợ file kích thước lớn. Ngoài ra, không đoạn phim HD nào được dài quá 5 phút. Đây không phải hạn chế kỹ thuật mà là chính sách của hãng. Tại châu Âu, những thiết bị nào có khả năng ghi được quá 5 phút phim độ phân giải cao sẽ được xếp vào loại máy quay và chịu thuế xuất cao hơn máy chụp. Bên cạnh đó, còn giới hạn một giờ cho việc sử dụng chế độ Live View (cũng như quay video), để tránh quá nóng. Khi quay tới gần thời gian này, máy ảnh sẽ báo 30 giây và đếm ngược trước khi tự động tắt. Nếu nhiệt độ bên ngoài không quá nóng, bạn có thể bắt đầu Live View hoặc quay video lại ngay. Trong trường hợp nhiệt độ bên ngoài quá nóng, thời gian máy tự động tắt sẽ sớm hơn.

Nikon D90 ghi âm mono với chất lượng không cao nên âm thanh ghi được chỉ có tác dụng làm tiếng dẫn. Do không có khe cắm micro nên muốn ghi tiếng động cho thật hay thì bạn nên sắm một thiết bị ghi âm chất lượng cao. Khi quay, kẹp máy ghi âm vào máy ảnh. Quay phim tối đa 5 phút một clip thì việc đồng bộ hình - tiếng không có gì là khó.

Sau khi quay, video được ghi ra file định dạng .AVI, chính xác hơn là video định dạng Open DML JPEG hay là Motion JPEG (ảnh động JPEG). Công nghệ này sử dụng dữ liệu nén biến thiên từ 11 mb/giây ở ISO thấp, chuyển động ít, tới 19 mb/giây ở ISO cao, chuyển động nhiều. Tốc độ này còn khá thấp với hầu hết máy quay khác.

Tốc độ ăn thẻ là 100 MB/phút, có nghĩa là cứ mỗi Gigabyte trên chiếc thẻ SDHC sẽ lưu được 10 phút video. Tính tương đối, một thẻ 8 GB sẽ lưu được khoảng một giờ phim. Định dạng Motion JPG “chơi” không khó khăn gì bằng chương trình Quicktime, việc biên tập lại cũng dễ dàng. Bạn có thể sử dụng phần mềm miễn phí MPEG Streamclip dùng cho cả Mac và Windows.


Các cổng kết nối bên sườn máy.
Ảnh: Trustedreviews.

Chất lượng video quay bằng máy ảnh này không hơn hẳn những chiếc máy quay độ phân giải 720p hiện thời. Kể ra cũng đáng ngạc nhiên vì cảm biến của D90 rất lớn nếu so sánh với các máy compact và máy quay thông thường. Điều này cũng khó lý giải bởi chiếc Canon 5D Mark II có cảm biến chỉ lớn hơn D90 một chút nhưng có thể quay phim chất lượng tốt hơn hẳn.

Vấn đề cơ bản của video từ D90 là hơi mờ. Nếu so sánh với hình ảnh nét căng do chính D90 và ống kính Nikon chất lượng cao ghi được, thì phim khi xem ra máy tính như có một làn khói nhẹ che phủ.

So sánh với các máy quay dân dụng với cùng tầm giá, như Sony SR11 hay SR12 (khác nhau về dung lượng ổ cứng), D90 nhợt nhạt hơn khi nói về chất lượng hình. Trong khi chất lượng từ SR12 có thể ngang ngửa với chiếc máy quay chuyên nghiệp Sony EX-1, thì D90 chỉ có thể so sánh với phim từ những máy chụp hình compact mà thôi.

Tuy nhiên, nếu đã coi các đoạn video từ D90 thì sẽ thấy rằng nó có những đặc tính rất riêng và dễ chịu chứ không tệ như tưởng tượng sau khi đọc các phần trên. Thực tế, khi so sánh với những đoạn phim tốc độ 30 khung/giây từ những máy bán chuyên và chuyên, một số người lại thích D90 hơn. Thực tế, đó chỉ là vấn đề về so sánh và khẩu vị mà thôi, không phải là tuyệt đối.


Nikon D90 lấy nét khá tốt, nhưng tính năng này lại không thực hiện được khi quay phim.
Ảnh: Letsgodigital.


Vậy vị trí của D90 khi là máy quay phim ở đâu trên thị trường? Trước hết, rõ ràng D90 không thể thay thế được máy quay. Nhưng khi gắn nó lên chân 3, chỉnh tay hoàn toàn, lắp vào đó một chiếc ống Nikon huyền thoại (từ ống mắt cá Fish eye cho tới ống siêu xa), thì đây sẽ là một công cụ bổ trợ cực tốt cho các nhà làm phim nghiệp dư và độc lập. Giá dưới một nghìn USD, D90 với tính năng này lại rẻ hơn rất nhiều so với Letus 35 mm lens adapter (thiết bị lắp thêm vào máy quay phim thông thường để có thể sử dụng ống kính của máy ảnh 35 mm).

Những người muốn tìm hiểu và làm quen với quay phim và khám phá thế giới quay chụp cũng tìm thấy ở D90 sự tiện dụng cần thiết, nhất là những người đã có sẵn hệ thống Nikon với các ống kính thích hợp.
HOANGVI (theo Luminuos-landscape/ Sohoa)

Không có nhận xét nào: